Kinh nghiệm khám phá làng lụa Hội An không thiếu thứ gì – Halo Travel

Làng lụa Hội An là một trong số những điểm đến thú vị được lòng du khách khi đến với thành phố Hội An. Nơi đây được ví như bảo tàng của nghề dệt lụa truyền thống vùng Quảng Nam. Đến với làng lụa, bạn sẽ có dịp trải nghiệm để tìm hiểu thêm về nghề dệt lụa truyền thống đã có lịch sử hơn 300 năm của Phố Hội. Cùng Halo Travel bước vào khám phá Làng lụa Hội An ngay bây giờ nhé!

1. Khái quát lịch sử làng lụa Hội An

  • Địa chỉ: 28 Nguyễn Tất Thành, Phường Cẩm Phổ, Hội An, Quảng Nam
  • Giờ mở cửa: 8:00 – 21:00
  • Website: www.hoiansilkvillage.com
  • Điện thoại: (+84) 0235 3921 144

Trong những năm thế kỷ 17, việc buôn bán tơ lụa ở xứ Đàng Trong, đặc biệt là tại thương cảng Hội An phát triển cực thịnh. Thương cảng Hội An ngày đó là một mắt xích quan trọng nối liền con đường tơ lụa trên biển. Chính điều đó đã góp phần đưa sản phẩm lụa Hội An đến khắp nơi trên thế giới như Trung Quốc, Nhật Bản hay Châu Âu, … Hàng năm có không biết bao nhiêu tàu thuyền của thương nhân từ nhiều nơi trên thế giới đến với Hội An để mua tơ sống và các loại lụa mang về. 

lang-lua-hoi-an

Ảnh: Sưu tầm

Ngày nay, điểm du lịch Làng lụa Hội An là một dự án trọng điểm của Công ty cổ phần Tơ Lụa Quảng Nam nhằm hồi sinh lại làng nghề truyền thống hàng trăm năm đang có nguy cơ mai một. Tại đây, du khách trong và ngoài nước sẽ được giới thiệu về lịch sử phát triển nhiều thăng trầm của nghề tơ lụa Hội An. Đồng thời được tìm hiểu về quy trình trồng dâu, nuôi tằm, kéo tơ, dệt lụa để tạo nên một tấm vải lụa hoàn chỉnh.

Để phục vụ nhu cầu tham quan, nghỉ ngơi cũng như mua sắm của du khách, tại làng lụa có cả quán cafe, nhà hàng, khách sạn và phòng trưng bày các sản phẩm tơ lụa.

2. Hướng dẫn di chuyển tới làng lụa Hội An

Chỉ cách Phố Cổ Hội An khoảng chừng 1km nên bạn có thể đến Làng lụa Hội An bằng nhiều hình thức như xe đạp, xe máy, taxi, xe điện, xích lô hoặc đi bộ. Trong đó, đi xe đạp là loại hình khá thú vị được nhiều du khách ưa thích. Giá thuê khoảng 30.000 đồng/ngày.

Huong dan di chuyen tu pho co hoi an di lang lua hoi an

Ảnh: Google Maps

3. Thời gian thích hợp để tham quan làng lụa Hội An

Thời gian phù hợp nhất để đi tham quan Làng lụa Hội An là từ tháng 2 đến tháng 7. Lúc này trời nắng đẹp, hầu như không mưa nên rất thích hợp cho các hoạt động tham quan du lịch. Tầm tháng 8 đến tháng 1 năm sau là mùa mưa bão nên nhiều hạn chế hơn.

Để tham quan trọn vẹn làng lụa bạn nên dành ra hẳn 1 ngày. Ban ngày thì tham quan tìm hiểu các hoạt động chủ yếu trong làng lụa, rồi ăn nhẹ. Đến chiều tối thì bạn có thể thưởng thức tiệc buffet ngon miệng tại nhà hàng.

4. Làng lụa Hội An có gì hấp dẫn?

Ngày nay, Làng lụa Hội An là nơi duy nhất còn bảo tồn các nguồn gen quý về dâu, tằm. Đồng thời gìn giữ và phát huy công cụ cũng như cách thức dệt lụa thủ công từ thời Chămpa – Đại Việt. Những khung cửi cổ xưa tại đây vẫn ngày ngày dệt ra những thước lụa hảo hạng, nuột nà.

Ảnh: @lynhxa89

Những trải nghiệm thú vị đang chờ đón du khách tham quan tại Làng lụa Hội An có thể kể đến như:

Khám phá không gian cổ kính của nhà rường truyền thống Hội An

Đến với Làng lụa Hội An bạn sẽ có dịp tham quan nhà rường cổ có niên đại từ thế kỷ 19. Kết cấu và cách xây dựng, trang trí căn nhà đều mang đậm tư tưởng triết lý phương Đông. Nhà rường có 3 gian, 2 chái, cùng các cột, kèo, … đảm bảo chịu lực, vững chắc, tiện nghi và dung hòa.

Trên mái nhà được lợp ngói âm dương giúp tránh nóng. Nền nhà sử dụng gạch nung to bản để lát giúp chống ẩm. Các vật trang trí được điêu khắc, chạm trổ công phu, tỉ mỉ mang theo những giá trị quan sâu sắc về thiên nhiên, con người.

nha ruong o lang lua hoi an

Ảnh: Sưu tầm

Tại gian lớn chính giữa nhà rường là nơi thờ phụng Bà Chúa Tằm Tang. Bà tên thật là Đoàn Thị Ngọc, hay còn được biết tới là Đoàn Quý Phi. Bà được tôn vinh là tổ nghề của ngành dệt lụa Hội An. Nhờ có bà mà nghề dệt lụa xứ Quảng khi ấy phát triển rực rỡ và mở rộng ra tiếp cận được với thế giới.

Chiêm ngưỡng bộ sưu tập áo dài và trang phục truyền thống của 54 dân tộc Việt Nam

Nhà truyền thống Làng lụa Hội An hiện đang trưng bày hơn 100 bộ áo dài mang đậm dấu ấn về sự phát triển suốt 3000 năm lịch sử. Tà áo dài đến ngày nay vẫn là biểu tượng đầy tính thẩm mỹ cho sự đằm thắm, thướt tha của người phụ nữ Việt.

Còn những bộ trang phục của 54 dân tộc anh em là phản ánh rõ rệt nhất sự đa dạng văn hóa, con người của đất nước. Đây là không gian trưng bày gây ấn tượng mạnh không chỉ với du khách trong nước mà còn cả khách quốc tế.

Tham quan vườn dâu

  • Cây dâu cổ thụ và vườn dâu Chămpa

Bạn sẽ có thể tìm thấy ở Làng lụa Hội An những cây dâu truyền lại từ thời Chămpa xưa. Giống dâu cổ này chưa hề bị lai tạp với những giống hiện đại.

Cây dâu Chămpa hơn trăm năm tuổi được mang từ vùng núi Quế Sơn về trồng tại làng lụa từ năm 2012. Cây có tán rộng và có thể cao tới hơn 10 mét. Điểm đặc biệt nhất là lá cây có dạng hình chân chim. 

tham quan vuon dau lang lua hoi an

Ảnh: @sewchicasewww

  • Vườn dâu truyền thống Quảng Nam

Dâu lá bầu là giống dâu truyền thống Quảng Nam có yêu cầu kỹ thuật khi trồng khá phức tạp. Người ta phải tiến hành 11 công đoạn trong 1 lần trồng và thu hoạch khoảng 10 – 15 năm. Sản lượng lá dâu thu được trên mỗi hecta ở Làng lụa Hội An là 15 – 25 tấn. Để cây dâu ra nhiều lá người ta sẽ tiến hành đốn sát và đốn phớt theo thời vụ mỗi năm. Cứ một năm sẽ thu hoạch 8 lứa lá dâu để nuôi được 8 lứa tằm.

Tìm hiểu cách nuôi tằm

Tại nhà nuôi tằm ở Làng lụa Hội An, bạn sẽ có dịp tìm hiểu rõ hơn về cách những người nghệ nhân nuôi tằm. Cách nuôi tằm của người Việt là hái lá dâu cho tằm ăn đến khi đủ lớn thì bỏ riêng ra để tằm tự quấn kén. Còn với người Chămpa thì họ sẽ thả tằm lên cây dâu, cho tằm tự ăn và phát triển.

trai nghiem cho tam an tai lang lua hoi an

Ảnh: @sewchicasewww

Đến khi quấn kén thì người ta sẽ tới thu hoạch. Thông thường tằm có thể ăn liên tục trong suốt 3 ngày và nghỉ 1 ngày nên chúng rất nhanh lớn. Vòng đời của con tằm từ lúc sinh ra cho tới khi chết đi chỉ trong khoảng 40 – 45 ngày. Khi tham quan khu này, bạn có thể tự tay trải nghiệm hái lá dâu cho tằm ăn vô cùng thú vị.

Tham quan nhà ươm tơ thủ công

Khi người thợ tại Làng lụa Hội An thu hoạch xong kén tằm sẽ bắt đầu bước vào công đoạn ươm tơ. Ươm tơ là hoạt động kéo sợi tơ từ những kén tằm thành sợi tơ tằm. Trước hết kén tằm khi được thu hoạch xong sẽ được nấu liên tục trong nước sôi 80 độ để chúng mềm hơn, dễ rút sợi hơn. Sợi tơ lớn dùng để dệt vải chính là được tạo thành bởi nhiều sợi kén nhỏ. Công đoạn ươm tơ yêu cầu kỹ thuật rất thuần thục và tính kiên nhẫn cao. Vì ươm tơ chuẩn sau này dệt ra tấm lụa thành phẩm mới được giá cao.

Ngoài công đoạn ươm tơ trên bạn còn có thể tìm hiểu cách người thợ kéo sợi đũi để dệt lụa đũi. Việc kéo sợi này hoàn toàn phải làm bằng tay và khó hơn ươm tơ rất nhiều. Do vậy nó thường do những người thợ lành nghề nhất thực hiện.

Tham quan phòng dệt lụa thủ công

Khi tham quan phòng dệt lụa thủ công tại Làng lụa Hội An bạn sẽ được tận mắt chứng kiến quy trình tạo ra những tấm vải lụa thành phẩm chất lượng cao. Những hoa văn trên vải lụa chủ yếu là dạng thổ cẩm.

Đây là loại hoa văn được người Chăm phát triển đến độ tinh xảo từ hàng trăm năm trước. Ngày nay những người thợ tại làng lụa tiếp thu những bí quyết, kỹ thuật ấy để tiếp tục đưa vào các sản phẩm lụa phục vụ du khách.

phong det lua

Ảnh: @the_castleys_do_life

Tại làng lụa hiện nay vẫn còn lưu giữ và bảo tồn những khung dệt từ xa xưa của người Chămpa. Khung dệt các dạng dây là khung dài, tên gọi Danưng Dalah, chiều dài 80 – 100m, chiều rộng 2 – 24cm. Khung dệt các dạng tấm là khung ngắn, tên gọi Danưng Aban Khan, dài 1,6 – 1,8m, rộng 60 – 90cm.

Bạn sẽ có thể tự mình trải nghiệm hoạt động dệt lụa dưới sự hướng dẫn của các nghệ nhân. Khi tự mình tìm hiểu thì bạn sẽ thấy thành phẩm lụa Hội An có giá thành cao, không chỉ vì chất lượng, mà còn vì quá trình và công sức người thợ làm nên những tấm lụa đó.

Tham quan nhà trưng bày các sản phẩm tơ lụa, may đo và mua sắm

Tại đây, bạn sẽ được thấy tất cả những sản phẩm tơ lụa đa dạng kiểu dáng, màu sắc và mẫu mã. Chúng đều được làm nên bởi những người thợ tài hoa của Làng lụa Hội An. Đồng thời, bạn cũng được hướng dẫn cách phân biệt các loại lụa cũng như chất lượng của từng loại.

phong trung bay san pham lua

Ảnh: @gorgeousgiagia

Ngoài ra, người hướng dẫn tại đây cũng sẽ chia sẻ thêm cách phân biệt lụa thật, lụa giả. Bạn cũng có thể trải nghiệm khoác lên mình những bộ đồ lụa thướt tha để đi tham quan quanh làng. Chắc hẳn sẽ đem lại cho bạn cảm giác tựa như trở về những tháng năm xưa cũ nơi Phố Hội.

5. Giá vé tham quan làng lụa Hội An

Giá vé tham quan Làng lụa Hội An là 50.000 đồng/người. Giá này áp dụng tất cả các đối tượng khách. Để phục vụ nhu cầu của du khách, Làng lụa Hội An còn bán các chương trình tour tham quan theo hai dạng là Tour ngắn và Tour dài. Cụ thể:

  • Tour ngắn: Giá vé 100.000 đồng/người, thời gian tham quan 45 phút. Tour này hoạt động từ 8:00 – 17:00 hàng ngày. Trong tour, bạn sẽ chỉ được tìm hiểu sơ lược về quy trình ươm tơ, dệt lụa truyền thống của làng nghề mà không được trải nghiệm thực tế.

det lua

Ảnh: @delicieusevie

  • Tour dài: Giá vé 595.000 đồng/người, thời gian tham quan 4 tiếng, có hướng dẫn viên thuyết minh. Có 2 khung giờ khởi hành để bạn chọn là 9:00 sáng hoặc 14:00 chiều. Tour này dài hơn nên bạn sẽ có nhiều thời gian để tìm hiểu sâu về ngành dệt lụa truyền thống cũng như được tự tay trải nghiệm các hoạt động trong làng lụa. Trước khi kết thúc tour, bạn sẽ được “chiêu đãi” bữa tiệc ẩm thực toàn các món đặc sản truyền thống trứ danh của Hội An.

Một số điểm du lịch ở Hội An:

6. Ăn gì ở Làng lụa Hội An?

Khi đến tham quan Làng lụa Hội An, bạn có thể thưởng thức nhiều món đặc sản truyền thống Quảng Nam chuẩn vị tại Nhà hàng Làng lụa Hội An. Trong đó, ấn tượng nhất là Buffet Gánh. Một số món ăn tại Buffet Gánh bạn có thể tham khảo đó là:

Món khai vị:

  • Salad Cà Chua Dưa Chuột
  • Gỏi Đu Đủ Bò Khô
  • Gỏi Rau Cung Đình
  • Gỏi Rau Đắng Trộn Tôm Thịt
  • Bánh Bột Lọc Tôm
  • Bánh Cuốn Hội An
  • Đậu Bắp Luộc
  • Rau Lang Luộc

Món chính:

  • Súp Bắp Thịt Cua
  • Cà Tím Sốt Cay
  • Chả Giò Làng Lụa
  • Chả Cá Viên Chiên
  • Cá Kho Hành Cà
  • Rau Xào Thập Cẩm
  • Đậu Khuôn Kho Sả
  • Mì Trứng Xào Rau
  • Heo Xào Sả Ớt
  • Canh Rau Nấu Tôm (theo mùa)
  • Cơm Chiên Rau Đậu
  • Cơm Trắng

Món gánh:

  • Bánh Xèo Hội An
  • Bánh Canh Trà Quế
  • Cao Lầu Hội An
  • Mì Quảng Phú Chiêm
  • Cơm Gà Hội An
  • Bánh Bèo Nhân Tôm

am thuc tai lang lua

Ảnh: Sưu tầm

Món nướng:

  • Chả Cá Nướng Lá Lốt
  • Heo Nướng Xiên
  • Gà Nướng

Món tráng miệng:

  • Khoai Lang
  • Chè Bắp
  • Chè Đậu Xanh
  • Chè Đậu Đỏ
  • Trái Cây Theo Mùa
  • Đông Sương

Các món ăn ở đây được chế biến bởi những đầu bếp tài hoa nhất. Và đội ngũ nhân viên phục vụ thì tận tâm, chu đáo, đảm bảo làm hài lòng thực khách khi dùng bữa ở nhà hàng.

7. Khách sạn ở Làng lụa Hội An

  • Giá phòng: Khoảng 1,4 triệu đồng đến 4 triệu đồng/đêm tùy hạng phòng.

Điểm dừng chân lý tưởng nhất cho du khách khi đến với Làng lụa Hội An chính là Khu nghỉ dưỡng Silk Village Resort & Spa Hoi An. Nơi đây được bao bọc bởi cây xanh nên có bầu không khí trong lành, thoáng đãng và yên tĩnh, phù hợp để nghỉ ngơi.

check in khu nghi duong silk village hoi an resort and spa

Ảnh: @thudoan96

Khu nghỉ Làng lụa Hội An còn cung cấp dịch vụ spa và massage đẳng cấp đem lại cho bạn những phút giây thật khoan khoái. Hồ bơi lớn ngay trong vườn là không gian “chill” nơi bạn có thể bơi lội và “sống ảo” thỏa thích. Nếu bạn đi cùng trẻ nhỏ thì nhất định sẽ thích thú với khu vui chơi dành cho bé. 

8. Những điểm tham quan nổi tiếng gần làng lụa Hội An

Điểm tham quan Khoảng cách từ Làng lụa Hội An
Phố cổ Hội An 1 km
Làng rau Trà Quế 3,2 km
Làng gốm Thanh Hà 3,3 km
Biển Cửa Đại 6,6 km
Rừng dừa Bảy Mẫu 7,5 km

Tựu chung lại, làng lụa Hội An là nơi lưu giữ, bảo tồn và làm sống lại nghề dệt lụa truyền thống của Phố Hội. Sau chuyến đi, bạn hãy nhớ mua những sản phẩm lụa tại đây để về làm quà tặng cho người thân và bạn bè nhé. Chúc bạn có một chuyến trải nghiệm thú vị và đáng nhớ tại Làng lụa Hội An.

Khám phá thêm các điểm đến hấp dẫn khác tại Hội An:

Rate this post

Vân Bình

Mỗi chuyến đi sẽ mang đến cho bạn những trải nghiệm thú vị. Hãy cùng đồng hành cùng chúng mình để khám phá những điểm đến hấp dẫn, những quán ăn ngon hay các điểm checkin hot nhé!

Bài viết liên quan

Back to top button