Kinh nghiệm đi làng gốm Thanh Hà Hội An: ở đâu, có gì thú vị?

Đến với Hội An, du khách không thể không ghé thăm làng gốm Thanh Hà có hơn 500 năm hình thành và phát triển. Với sự trầm mặc cổ kính, nơi đây vẫn còn giữ được nguyên vẹn vẻ đẹp sơ khai thuở ban đầu. Làng gốm Thanh Hà có gì hay, có gì thú vị mà được đông đảo du khách ghé thăm đến thế? Hãy cùng HaloTravel tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé!

1. Giới thiệu làng gốm Thanh Hà

Thanh Hà là một ngôi làng cổ, bình yên nằm bên con sông Thu Bồn. Nơi đây nổi tiếng với nghề làm gốm thủ công được hình thành từ thế kỷ 16. Trải qua các thời kỳ lịch sử, làng gốm Thanh Hà vẫn giữ gìn được nghề làm gốm của ông cha để lại. Đến với nơi đây, bạn sẽ cảm nhận được sự trầm mặc, cổ kính như lạc vào quá khứ vậy.

cong vien dat nung

Ảnh: @smileface95

Gốm Thanh Hà đặc biệt ở chỗ đây là các sản phẩm thuộc dòng gốm mộc, tức là không sử dụng men phủ bên ngoài. Đồ gốm đều được làm từ loại đất sét màu nâu, đặc, dẻo và có độ kết dính cao. Đi dạo phố cổ Hội An, bạn sẽ thấy dọc con phố cổ đượm một màu nâu, vàng đỏ thẫm của màu đất, màu gỗ và màu mái ngói được làm từ gốm Thanh Hà.

Hiện nay không có nhiều dân theo nghề truyền thống nhưng một số nghệ nhân vẫn yêu thích và bảo tồn kỹ thuật làm gốm cổ xưa. Họ chính là những con người đã làm sống lại làng gốm và biến nơi đây thành điểm du lịch hấp dẫn đối với mọi du khách. Không chỉ là điểm tham quan, làng gốm Thanh Hà còn có rất nhiều hoạt động thú vị để bạn trải nghiệm, khám phá.

san pham gom thanh ha

Ảnh: @vu.hen

2. Lịch sử hình thành và phát triển làng gốm

Lịch sử hình thành làng gốm Thanh Hà

Cư dân Thanh Hà có nguồn gốc chủ yếu ở các vùng Thanh Hóa, Nam Định, Hải Dương định cư từ cuối thế kỷ 15. Thời buổi này, đồ gốm sứ, đất nung là đồ dùng của đại bộ phận dân cư. Theo người dân địa phương, ban đầu làng gốm đã được hình thành tại làng Thanh Chiêm rồi sau đó mới chuyển về Nam Diêu do không hợp phong thủy. Nam Diêu có nghĩa là lò gốm phía Nam.

Nơi đây hiện còn di tích ngôi miếu Tổ nghề của làng. Cứ vào mồng 10 tháng Giêng hàng năm, người dân làng lại tổ chức lễ tế Xuân để cầu xin năm mới bình an, làng nghề phát triển.

tham quan lang gom

Ảnh: @dieu.libra

Quá trình phát triển làng gốm

Trong nhiều thế kỷ, nghề làm gốm và gạch ngói ở Thanh Hà đã nổi tiếng cả xứ Quảng và cả trong lẫn ngoài nước. Khi nhà Nguyễn chọn Phú Xuân làm kinh đô, nhiều nghệ nhân đã được gọi ra để tham gia vào xây dựng cung đình Huế.

Trước kia, làng gốm Thanh Hà có tất cả 30 bàn xoay, hàng trăm lò nung và hàng nghìn thợ thầy. Đến nay làng chỉ còn 8 lò gốm với 35 lao động với 10 thợ giỏi. Riêng đối với nghề sản xuất gạch ngói, hiện đang có 74 hộ với 455 lao động ở khối phố 3,4,5,6 phường Thanh Hà. Làng gốm Thanh Hà với hơn 500 năm hình thành và phát triển đang là một trong những điểm đến hấp dẫn tại Hội An.

mot goc lang gom thanh haẢnh: @chubbyhuong

Đừng bỏ qua: Kinh nghiệm du lịch Hội An tự túc chi phí thấp

3. Cách di chuyển tới làng gốm Thanh Hà

Làng gốm Thanh Hà nằm ở ngoại ô khu phố cổ thành phố Hội An, cách trung tâm phố cổ khoảng 3km về phía Tây. Với quãng đường đó, bạn có thể di chuyển đến đây một cách dễ dàng bằng xe máy hoặc ô tô sau 10 phút lái xe.

Để đến làng gốm Thanh Hà, từ trung tâm phố cổ, bạn đi theo tuyến đường Hùng Vương sau đó rẽ vào đường Duy Tân. Tới ngã tư, bạn sẽ thấy một tấm biển chỉ đường đến làng gốm. Đi theo chỉ dẫn thêm một đoạn nữa là sẽ tới nơi.

lang gom thanh ha

Ảnh: @yenkim1992

4. Giá vé tham quan và giờ mở cửa

  • Thời gian mở cửa: Từ 8h30 sáng đến 17h30 chiều
  • Giá vé tham quan:
    • Người lớn: 40.000 VNĐ/ người
    • Trẻ em, học sinh, sinh viên: 20.000 VNĐ/ người

Lưu ý: Giá vé đã bao gồm dịch vụ đi xe điện vào làng, tham quan di tích Miếu Nam Diêu, di tích Đình Xuân Mỹ, xem nghệ nhân chuốt gốm, tự tay chuốt gốm, nặn tò he và được tặng 1 sản phẩm bằng gốm.

5. Làng gốm Thanh Hà có gì hấp dẫn?

Chiêm ngưỡng nghệ nhân làm gốm

Đến đây, bạn sẽ được chứng kiến quá trình tạo ra những sản phẩm tuyệt đẹp qua đôi bàn tay tài hoa của các nghệ nhân. Từ một khối đất sét vùng ven sông Thu Bồn, người nghệ nhân tạo hình chúng trên bàn xoay rất khéo léo. Sau khi đã tạo dáng, sản phẩm sẽ được đem ra ngoài nắng để phơi.

Gốm sau khi phơi se khô sẽ được mang về để dập hoa văn và trang trí với nhiều nét vẽ riêng đặc trưng của làng gốm Thanh Hà. Tiếp theo, gốm được phơi kỹ trước khi đưa vào lò nung. Thời gian trung bình cho một mẻ nung khoảng 15 ngày.

nghe nhan lang gom thanh ha

Ảnh: @q.u.e.n_uiux

Tự tay làm ra một sản phẩm gốm

Chuyến ghé thăm làng gốm Thanh Hà sẽ không trọn vẹn nếu như bạn không tự tay làm ra một sản phẩm gốm. Đến đây, bạn sẽ được trải nghiệm mọi công đoạn để làm ra một sản phẩm hoàn thiện. Đầu tiên là công đoạn nhào bột thành khuôn, sau đó chuốt trên bàn xoay rồi đưa vào lò nung. Đây sẽ là món đồ kỷ niệm đáng nhớ trong chuyến ghé thăm làng gốm Thanh Hà.

tu tay lam ra mot san pham gom

Ảnh: @_ln.huy

Khám phá công viên đất nung Thanh Hà

Công viên đất nung Thanh Hà được xem là bảo tàng gốm lớn nhất Việt Nam, được thiết kế bởi kiến trúc sư Nguyễn Thanh Hà – một người con làng gốm. Từ khi mở cửa đến nay, công viên đất nung Thanh Hà đón tiếp rất đông đảo du khách đến tham quan và check in sống ảo.

Đến công viên đất nung, bạn sẽ được lần lượt khám phá 9 khu vực của không gian bảo tàng gốm độc đáo. Đó là: Khu lò gốm, Khu thế giới thu nhỏ, Khu vườn sắp đặt, Khu bảo tàng làng nghề, Khu gốm Sa Huỳnh – Chăm, Khu các làng nghề truyền thống, Khu triển lãm, Khu sản phẩm làng nghề, Khu chợ gốm.

kham pha cong vien dat nung thanh ha

Ảnh: @kk.dduunn

Tại đây trưng bày tiểu cảnh của các danh lam thắng cảnh nổi tiếng Việt Nam cũng như kỳ quan nổi tiếng thế giới được chăm chút bởi bàn tay khéo léo của các nghệ nhân.

Những tác phẩm mô phỏng từ Khuê Văn Các, Tháp Rùa đến đền Taj Mahal, Nhà hát Opera Sydney, Tượng Nữ Thần Tự Do… đều được hội tụ trong một không gian thoáng đãng, ngập tràn màu xanh của cây cối. Bên cạnh đó, tại công viên đất nung Thanh Hà còn trưng bày rất nhiều sản phẩm đất nung của nước ta từ thế kỷ trước như: gốm Sa Huỳnh, Bàu Trúc…

Mua đồ lưu niệm về làm quà

Ở làng gốm Thanh Hà bán rất nhiều sản phẩm lưu niệm cũng như vật dụng thường ngày. Bạn sẽ bắt gặp những gian hàng trưng bày như bát, chén, bình hoa, bình cá, chậu cây đến những con tò he làm bằng gốm. Ngoài ra còn có rất nhiều đặc sản của Hội An như cao lầu, mì quảng,…cũng được thổi hồn vào tác phẩm gốm.

do luu niem

Ảnh: @hyunju._.j

6. Những địa điểm gần làng gốm Thanh Hà

Địa điểm Khoảng cách
Chùa Cầu Hội An 3.2 km
Làng lụa Hội An 3.3 km
Nhà cổ Tân Ký 3.6 km
Làng mộc Kim Bồng 5 km
Làng rau Trà Quế 6.4 km

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, làng gốm Thanh Hà vẫn lưu giữ và bảo tồn được những nét truyền thống đặc biệt của nó. Chỉ khi đến với nơi đây, bạn mới cảm nhận được hết vẻ đẹp và sự tinh tế của mỗi sản phẩm được làm ra. Hãy đến với làng gốm Thanh Hà và chia sẻ với Halo Travel về những trải nghiệm tuyệt vời tại đây bạn nhé!

Bài viết bạn quan tâm:

Rate this post

Vân Bình

Mỗi chuyến đi sẽ mang đến cho bạn những trải nghiệm thú vị. Hãy cùng đồng hành cùng chúng mình để khám phá những điểm đến hấp dẫn, những quán ăn ngon hay các điểm checkin hot nhé!

Bài viết liên quan

Back to top button