Chùa Bút Tháp: ngôi chùa lâu đời và độc đáo tại Bắc Ninh – Halo Travel
Bắc Ninh là nơi có rất nhiều những ngôi chùa nổi tiếng lâu đời được nhiều người biết đến. Một trong số đó không thể không nhắc đến chùa Bút Tháp, một ngôi chùa có kiến trúc độc đáo và rất linh thiêng. Nếu bạn đang có ý định tìm đến một nơi có vẻ đẹp mộc mạc, trang nghiêm thì đừng bỏ qua ngôi chùa này nhé!
Nội dung chính
1. Giới thiệu về chùa Bút Tháp Bắc Ninh
- Địa chỉ: phía tây thôn Bút Tháp, xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh
Chùa Bút Tháp nằm ven dòng sông Đuống, một dòng sông quanh co, uốn lượn với nhiều bãi ngô, bãi đậu xanh mướt. Chùa có tên chữ là Ninh Phúc tự, thuộc xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Ngôi chùa này được xem là một trong số ít ngôi chùa vẫn còn giữ được vẻ nguyên vẹn, sơ khai như lúc ban đầu.
Ảnh: @thuongdinh97
Chùa Bút Tháp là một ngôi chùa cổ, có kiến trúc độc đáo nhưng không kém phần mộc mạc ở Bắc Ninh. Chùa Bút Tháp được xây vào thế kỷ 17 thời Hậu Lê. Chùa được xây dựng theo kiểu “Nội công ngoại quốc”. Trải qua rất nhiều năm lịch sử nhưng chùa vẫn giữ nguyên vẹn cái vẻ đẹp cổ kính vốn có của nó. Đây cũng là một trong những ngôi chùa ở Việt Nam được chứng nhận là di tích Quốc gia.
2. Hướng dẫn di chuyển đến chùa Bút Tháp
Chùa Bút Tháp nằm cách Hà Nội không quá xa nên từ Hà Nội bạn có thể dễ dàng di chuyển đến địa điểm bằng nhiều phương tiện khác nhau. Sau đây Halo Travel sẽ hướng dẫn cho bạn cách di chuyển đến chùa Bút Tháp bằng 2 phương tiện là xe máy và xe bus từ Hà Nội:
Di chuyển bằng xe máy
Vì chỉ cách Hà Nội khoảng 40km nên từ Hà Nội bạn có thể dễ dàng di chuyển bằng xe máy đến địa điểm này trong vòng 1 giờ chạy xe. Bạn có thể chạy xe từ Ngã Tư Sở đến Khuất Duy Tiến. Tiếp đến bạn chạy theo bán đảo Linh Đàm và đi lên cầu vượt. Sau đó chỉ cần đi theo hướng QL1B là đến Bắc Ninh. Khi đến Bắc Ninh, bạn tiếp tục di chuyển theo tuyến đường QL38 sau đó đi qua cầu Hồ. Tiếp theo rẽ phải tại cầu Hồ rồi di chuyển vào đường Thiên Đức khoảng 9km nữa là đến.
Di chuyển bằng xe bus
Ngoài xe máy, bạn có thể lựa chọn phương tiện khác là xe bus để tới Bắc Ninh. Di chuyển bằng xe bus sẽ mất nhiều thời gian hơn tuy nhiên sẽ an toàn hơn so với việc đi xe máy.
Từ Hà Nội bạn chỉ cần bắt tuyến xe 204 tại bến Lương Yên. Xe bus sẽ bắt đầu đi từ điểm trung chuyển Long Biên đến thị trấn Hồ. Vì xe bus không có điểm dừng ở chùa Bút Tháp nên bạn sẽ phải xuống xe ở khu vực chợ Keo. Sau đó, bạn có thể bắt xe ôm hoặc taxi đi thêm khoảng 6km để đến chùa Bút Tháp.
3. Nét kiến trúc độc đáo tại chùa Bút Tháp
Ở thời xưa, chùa Bút Tháp là một ngôi chùa nổi tiếng ở Bắc Ninh có bề thế so với những ngôi chùa cùng thời. Kiến trúc chính của chùa được quay theo hướng Nam theo đạo Phật. Đây là hướng của trí tuệ, bát nhã và nằm trên một trục dài hơn 100m. Kiến trúc của chùa cũng được bố trí cân xứng nhưng hết sức tự nhiên và chặt chẽ.
Ảnh: @bina.stone
Khu trung tâm của tháp bao gồm 8 nếp nhà nằm ngang, chạy song hành và được bố trí trên một trục dọc theo mô hình đường thần đạo. Khu vực ngoài cùng tháp là Tam Quan, tiếp đến là Gác Chuông và các tòa thờ khác. Bên trái ngôi chùa có nhà thờ Chiết Tuyết và ngôi tháp đá Báo Nghiêm gồm 8 mặt, 5 tầng cao 13m. Đây là nơi táng xá lị của thiền sư Chiết Tuyết. Hai bên dọc theo tòa Tiền Đường là hai nhà bia và hai dãy hành lang chạy dọc theo chiều dài ngôi chùa.
Mỗi một công trình kiến trúc tại chùa đều được thiết kế rất tỉ mỉ. Mỗi thiết kế được xem như một tác phẩm nghệ thuật khéo léo với các họa tiết trang trí đa dạng, phong phú. Thiết kế thể hiện một điều gì đó rất hài hòa giữa thiên nhiên và con người.
4. Những địa điểm không thể bỏ qua tại chùa Bút Tháp
Tượng phật Quan Âm
Đây là 1 trong 4 bảo vật quốc gia tại chùa Bút Tháp được Nhà Nước công nhận. Ngoài tượng Phật Quan Âm thì còn có: Bộ Tượng Phật Tam Thế, Hương Án và tòa Cửu Phẩm Liên Hoa cũng được vào danh sách trên. Một địa điểm được nhiều người thăm quan nhất trong chùa là pho tượng Quan Âm nghìn tay nghìn mắt. Tượng có tuổi đời đã rất nhiều năm, được điêu khắc vào năm 1656. Tượng có chiều ngang là 2.1m, chiều cao 3.7m, dày 1.15m. Gọi là tượng phật Quan Âm nghìn tay nghìn mắt vì tượng có tất cả 11 đầu, 952 cánh tay ngắn và 42 tay dài. Đây được xem như một tác phẩm nghệ thuật bằng gỗ độc nhất vô nhị mang nhiều ý nghĩa về Phật Giáo.
Ảnh: @masako_vietnam
- Có thể bạn quan tâm: Review chùa Lim Bắc Ninh
Tháp Báo Nghiêm
Một điểm đến nữa bạn nhất định phải tìm đến khi ghé chùa Bút Tháp đó là tháp Báo Nghiêm. Tháp được đặt trong khuôn viên của chùa. Đây là nơi thờ Hòa thượng Chuyến Chuyết. Đây cũng là một trong những công trình lâu năm nhất tại chùa được xây từ năm 1647 thời vua Lê Chân Tông.
Ảnh: @heritagevna.magazine
Tháp có cửa chính quay về hướng Nam, thân tháp có ghi dòng chữ “Báo Nghiêm Tháp”. Tháp có chiều cao hơn 13m, 5 mặt, mỗi mặt dài hơn 2m tạo thành hình khối bát giác. Tháp có thiết kế rất độc đáo, nhỏ dần từ thấp lên cao giống như hình một chiếc bút khổng lồ giữa bầu trời xanh. Các góc mái của tháp cũng được trạm khắc vô cùng tỉ mỉ và mềm mại, có lỗ để đeo chuông khánh.
- Có thể bạn quan tâm: Đền Đô: chốn linh thiêng cổ kính tại Bắc Ninh
5. Một số lưu ý khi ghé thăm chùa Bút Tháp
Để chuyến đi ý nghĩa và nhiều trải nghiệm, bạn nên lưu ý một số điều sau trước khi đến tham quan tại chùa Bút Tháp nha!
- Tránh ăn mặc hở hang, thiếu sự trang trọng, lịch sự khi đến thăm chùa.
- Không tùy tiện động, chạm, chụp ảnh những vật dụng trong chùa khi chưa có sự cho phép.
- Để hiểu rõ hơn về lịch sử cũng như cấu trúc của chùa bạn đọc trước điều luật khi đến chùa.
- Không nói chuyện và cười đùa quá to làm mất đi vẻ trang nghiêm trong chùa.
- Không vứt rác bừa bãi làm ảnh hưởng đến mỹ quan.
Hy vọng rằng những thông tin về chùa Bút Tháp Bắc Ninh trên đây sẽ giúp bạn có một chuyển đi ý nghĩa bên gia đình, bạn bè. Hãy cùng Halo Travel chia sẻ những chuyến đi của bạn nhé!
Bài viết bạn quan tâm: