Kinh nghiệm du lịch Cao Bằng: chơi gì, ăn gì, ở đâu?
Cao Bằng là một điểm đến được tạo hóa ban cho nét hoang sơ vô cùng kỳ thú. Khi đặt chân đến vùng đất này bạn có thể hít thở không khí trong lành, chiêm ngưỡng khung cảnh đẹp như tranh và trải nghiệm nền ẩm thực vô cùng đặc sắc của vùng đất Đông Bắc này. Hãy cùng Halo Travel lưu ngay những kinh nghiệm du lịch Cao Bằng này nhé!
Nội dung chính
1. Nên đi du lịch Cao Bằng vào thời gian nào?
Cao Bằng là một tỉnh miền núi, biên giới nằm ở vùng Đông Bắc của nước ta. Khí hậu ở Cao Bằng chia làm 2 mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa khô. Mỗi mùa ở Cao Bằng luôn mang một vẻ đẹp riêng. Mùa mưa Cao Bằng kéo dài từ tháng 4 đến tháng 9, mùa khô bắt đầu từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau. Theo kinh nghiệm du lịch Cao Bằng thì các bạn nên đi vào các thời điểm dưới đây:
- Tháng 8 và tháng 9: Thời điểm này sẽ dành cho những ai muốn ngắm nhìn thác Bản Giốc đổ dài con nước, lúc này thác nhiều nước sẽ rất đẹp.
- Tháng 11 và tháng 12: Đây là thời điểm bạn có thể ngắm được những cánh đồng hoa Tam Giác Mạch, cũng như hoa dã quỳ nở vàng rực các cung đường.
- Nếu bạn là người thích ngắm tuyết thì các bạn nên đi vào cuối tháng 12 hoặc đầu tháng 1, thời điểm này ở rừng Phia Oắc nhiệt độ hạ thấp nên rất có thể xảy ra hiện tượng này.
Ngoài những thời điểm trên bạn có thể du lịch Cao Bằng vào mùa hè, cùng bạn bè ngồi hóng gió ngắm suối reo cá nhảy. Mùa này cũng là mùa mận chín thơm khắp núi rừng Cao Bằng. Bạn sẽ tha hồ thưởng thức mận rừng và các loại quả mùa hè ở miền biên ải này đấy.
2. Làm thế nào để di chuyển đến Cao Bằng?
Cao Bằng có địa hình tương đối phức tạp. Hệ thống giao thông hiện nay chỉ có đường bộ, gồm bốn tuyến quốc lộ: 3, 4A, 34 và 4C trong đó có quốc lộ 3 và quốc lộ 4 đã được cải tạo, nâng cấp. Đến nay, hệ thống giao thông tạm đáp ứng tốt các nhu cầu vận tải hành khách.
Phương tiện cá nhân
Theo kinh nghiệm du lịch Cao Bằng mà Halo Travel đã tổng hợp được, nếu bạn sử dụng phương tiện xe máy hoặc ô tô cá nhân đi phượt Cao Bằng, các bạn có thể di chuyển theo một trong 3 hướng mà Halo Travel gợi ý dưới đây nhé :
- Đi từ Hà Nội theo hướng Quốc lộ 3 qua Thái Nguyên, Bắc Kạn. Đi đường này các bạn có thể kết hợp du lịch Thái Nguyên hoặc du lịch Bắc Kạn, đặc biệt là có thể kết hợp đi du lịch Hồ Ba Bể.
- Đi từ Hà Nội theo hướng Quốc lộ 4 đi Lạng Sơn, kết hợp ghé qua du lịch Mẫu Sơn rồi đi theo hướng Đông Khê, Thất Khê để sang Cao Bằng.
- Nếu các bạn đi phượt Hà Giang bằng xe máy từ Hà Nội, khi về các bạn có thể đi theo hướng Đồng Văn sang Mèo Vạc, đi qua Bảo Lâm, Bảo Lạc, Tĩnh Túc (Nguyên Bình) rồi rẽ về phía Bắc Kạn, tạt qua khu du lịch Hồ Ba Bể rồi mới về Hà Nội.
Mặc dù hệ thống giao thông đã được cải thiện nhiều nhưng đường lên Cao Bằng có khá nhiều đèo dốc quanh co và có nhiều xe tải cỡ lớn. Vì vậy nếu bạn muốn đi phượt bằng xe máy thì nên có một người bạn đồng hành dày dặn kinh nghiệm, hoặc 1 tài xế chắc tay để có thể giữ an toàn cho hành trình khám phá Cao Bằng của mình nhé.
Phương tiện công cộng
Nếu không muốn chạy xe máy, từ Hà Nội các bạn có thể đi xe khách tới Cao Bằng, xe chạy hàng ngày tại bến xe Mỹ Đình và mất khoảng 8h để lên tới Tp. Cao Bằng. Tại đây các bạn có thể thuê xe máy để tiếp tục khám phá Cao Bằng. Các bạn có thể lựa chọn đi xe ngồi hoặc xe giường. Xe giường nằm có nhà xe Vĩnh Dung, Khánh Hoàn, Thanh Ly, Bốn Hai khởi hành vào buổi tối với giá vé từ 180.000 VNĐ đến 200.000 VNĐ. Còn xe ghế ngồi thì có nhà xe Lương Sùng, Hiền Lợi khởi hành buổi sáng với giá vé khoảng 160.000 VNĐ.
3. Lưu trú ở đâu khi du lịch Cao Bằng?
Halo Travel sẽ gợi ý một số điểm lưu trú cực kỳ xinh đẹp để bạn có thể nghỉ ngơi khi dừng chân tại Cao Bằng nhé. Dưới đây là một số điểm lưu trú được nhiều bạn trẻ check-in tại Cao Bằng:
- Sunny Hotel: số 40 Kim Đồng, thành phố Cao Bằng – 02063.828.888
- Khách sạn Kim Đồng: 155 Kim Đồng, thành phố Cao Bằng – 02063.853.053
- Jodevi Homestay: 64 đường Hiến Giang, Hợp Giang, Cao Bằng
- SA’s Home: 68 phố Lý Tự Trọng, tổ 28, Cao Bằng – 0363981976
- Classeque Homestay: 118 đường Hiến Giang, Hợp Giang, Cao Bằng – 0335915999
- Luong Son Homestay Ecolodge: tổ 10 xóm Tả Lái, Làng Gia Cung, Cao Bằng – 0888067899
- Yến Nhi Homestay: Đàm Thủy, Trùng Khánh, Cao Bằng – 0942241760
Ảnh: Sưu tầm
4. Các địa điểm nên “check-in” ngay khi đến Cao Bằng
Tạo hoá đã ban tặng cho Cao Bằng nhiều núi cao, sông hồ, thác nước và những cánh rừng nguyên sinh tạo nên cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, thơ mộng, mang đậm nét hoang sơ rất thích hợp với du lịch ngoạn cảnh, nghỉ ngơi. Cao Bằng cũng chính là cái nôi của Cách mạng Việt Nam. Theo kinh nghiệm du lịch Cao Bằng thì dưới đây là những địa điểm du lịch được nhiều du khách lựa chọn tham quan. Các bạn hãy tham khảo thử nhé!
Hang Pác Bó
- Địa chỉ: xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng
- Giờ mở cửa: 8:00 – 23:00
- Giá vé: 25.000 VNĐ/ người lớn, 5.000 VNĐ/ trẻ em
Đây là một trong những điểm tham quan bạn nhất định phải ghé đến khi du lịch tại Cao Bằng. Pác Bó thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, nằm sát biên giới Việt – Trung, cách thành phố Cao Bằng hơn 50km. Để đến được hang Pác Bó bạn có thể di chuyển bằng nhiều con đường. Nếu tính đường chính thì có thể đi từ trung tâm thành phố Cao Bằng hoặc từ phía đông tỉnh Cao Bằng. Bạn có thể đi theo đường tỉnh 203, đi qua thị trấn Xuân Hòa, huyện Hà Quảng nếu đi từ thành phố. Khi đi từ phía đông thì hãy đi theo đường tỉnh 210, bạn có thể dễ dàng tới nơi. Nếu bạn di chuyển bằng ô tô thì sẽ mất khoảng tầm 1 tiếng đồng hồ để đến nơi.
Dọc đường đi đến hang Pác Pó, quang cảnh với cây lá, thung lũng và núi rừng hoang dại sẽ tô điểm thêm phần thu hút với du khách. Ngoài ra, bạn cũng có thể đi bằng xe máy, sẽ tốn thời gian hơn một chút nhưng tầm quan sát sẽ rộng hơn. Bạn có thể vừa đi vừa chụp ảnh, thu lại kỉ niệm ngay trên đường đi.
Pác Bó là di tích lịch sử cách mạng nổi tiếng tại bản Pác Bó, xã Trường Hà, Hà Quảng, Cao Bằng. Đây là địa điểm sống và làm việc của chủ tịch Hồ Chí Minh sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước. Người đã trực tiếp lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trong giai đoạn đầu từ năm 1941 đến 1945. Di tích bao gồm các khu như hang Bo Bam, bãi Cò Rạc, núi Các Mác, suối Lênin và hang Cốc Bó.
Khi đến tham quan tại hang Pác Bó, bạn nên đến vào mùa khô. Khi đó, bạn sẽ dễ dàng di chuyển, địa hình trơn trượt ngày mưa có thể gây ra nhiều tai nạn đáng tiếc. Những đôi dép, giày dễ đi sẽ hỗ trợ bạn trong quá trình leo núi lên hang, lội suối. Lưu ý hãy bỏ rác đúng nơi quy định, cũng như làm theo biển chỉ dẫn ở bất kỳ nơi nào bạn đi qua nhé.
Đến hang Pác Bó, bạn không cần phải nghĩ sẽ đi tham quan chỗ nào. Mọi cảnh vật thiên nhiên xinh đẹp sẽ hiện ra trước mắt bạn. Nếu bạn tinh mắt, để vào được hang Pác Bó thì trước đó cần vượt qua được một con suối. Trên dòng suối đó có một cây cầu gỗ sẽ giúp bạn đi đến được cửa hang. Để đến được hang, tiếp đó bạn lại tiếp tục trèo lên khoảng 300 bậc thang nữa, men theo sườn núi với bề rộng chỉ đủ cho một, hai người đi.
Ngoài hang Pác Bó, bạn có thể tham quan những nơi khác của cụm di tích. Gần đó cũng có các di tích hoặc cảnh đẹp như thác Bản Giốc, đèo Mã Phục, núi Thủng – Tuyệt Tình cốc, cột mốc 108, cột mốc 0 km,….
Lán Khuổi Nặm
Lán Khuổi Nặm cách hang Pác Bó khoảng một cây số. Khi đến hang Pác Pó bạn có thể di chuyển theo đường mòn, đi bộ đến Lán Khuổi Nặm. Đường quanh co men theo chân núi, đây là nơi Bác ở lâu nhất. Lán Khuổi Nặm có địa thế rất thuận lợi, nằm ngay ở cửa rừng, được che kín, nhìn bên ngoài vào không phát hiện được, nhưng ở bên trong quan sát ra thì rất rõ. Lán được dựng theo kiểu nhà sàn dân tộc, với 2 gian nhỏ, có diện tích khoảng 12m2. Lán hiện nay mới được trùng tu lại. Vì cũng nằm trong khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Pác Pó nên khi mua vé tham quan khu di tích Pác Pó bạn có thể tham quan Lán Khuổi Nặm.
Thác Bản Giốc
- Địa chỉ: TL 211, Đàm Thuỷ, Trùng Khánh, Cao Bằng
- Giờ mở cửa: 7:00 – 18:00
- Giá vé: 50.000 VNĐ/ người
Chỉ cần đặt chân đến đây bạn sẽ ngất ngây trước vẻ đẹp của thác Bản Giốc. Nhìn từ xa, những dòng nước trắng xóa đổ xuống tạo nên một bức trang kỳ vĩ lung linh tụa như một dải lụa trắng tuyệt đẹp giữa núi rừng Đông Bắc.
Theo kinh nghiệm du lịch Cao Bằng, thời điểm đẹp nhất thăm thác chính là khoảng tháng 6 – 10, đặc biệt vào tháng 9 – 10, lúc này thác đầy nước kết hợp với mùa lúa chính tạo nên khung cảnh hết đỗi nên thơ. Đặc biệt, bạn có thể chèo thuyền ra ngắm thác, và check in sống ảo tại đây.
5. Các món ăn ngon ở Cao Bằng
Bánh coóng phù (Bánh trôi)
Coóng phù được làm từ gạo nếp ngon lẫn một ít gạo tẻ. Nhân bánh là lạc rang giã nhỏ, có thể trộn thêm đường và hạt vừng. Những viên coóng phù thường có màu trắng tinh, nhiều người trộn bột với gấc hoặc ngâm gạo với lá cẩm, lá dứa để tạo thêm màu sắc mới lạ, vị và mùi thơm khác nhau. Hoàn toàn không có chất tạo màu tạo mùi hóa học.
Ảnh: Sưu tầm
Bánh cuốn
Bánh cuốn không là món ăn xa lạ với người miền Bắc nhưng người dân Cao Bằng có cách ‘thưởng’ bánh rất riêng, độc đáo so với tất cả các vùng miền khác. Để chế biến được những chiếc bánh cuốn dẻo thơm, người ta cần đồ nghề là một chiếc nồi gang to, một chiếc khuôn hình tròn vừa với miệng nồi làm bằng cật tre già, bọc vải trắng thật căng và một thanh tre gọt mỏng để lấy bánh ra khỏi khuôn.
Bánh cuốn Cao Bằng đặc biệt nhất ở nước dùng, người Cao Bằng nhúng bánh cuốn trong thứ nước dùng ninh từ xương ngọt ngào. Cũng bởi lẽ đó nên nhiều người cũng gọi bánh cuốn Cao Bằng là bánh cuốn canh, để phân biệt với loại bánh cuốn chấm nước mắm của người miền xuôi. Mỗi bát nước dùng lại được thêm vào vài thìa thịt băm nhuyễn, rắc chút hành hoa mỡ màng mà mướt mát.
Khi ăn, các bạn sẽ cảm nhận vị ngọt xương hầm hòa quyện với hương vị hành, vị thơm của thịt phi hành, vị dai của bánh trong nước dùng. Nhiều du khách khi thưởng thức đều khen ngon bởi vị đậm đà, tinh tế khác xa so với nơi khác.
Bánh áp chao
Mùa đông ở Cao Bằng có một món ăn rất đặc biệt, được bày bán nhiều trong các quán nhỏ hoặc vỉa hè. Bánh có vẻ bề ngoài khá giống bánh rán nhưng phần nhân được làm từ thịt vịt chứ không phải thịt lợn băm, mộc nhĩ hay đỗ xanh như bánh rán bình thường. Người Cao Bằng gọi đó là bánh áp chao, hay còn gọi là bánh vịt chao.
Phở chua
Phở chua là đặc sản của vùng đất Cao Bằng, góp phần làm phong phú cho nét văn hóa ẩm thực của các tỉnh miền núi phía Bắc. Bánh phở Cao Bằng thơm, dai, khó lẫn với những địa phương khác vì được làm từ gạo Cao Bằng ngọt mà dẻo. Ngoài các nguyên liệu trên, phở chua còn ăn kèm với đậu phộng, rau thơm, húng, mùi, dưa chuột cắt mỏng.
Phở chua thường được dùng trong các tiệc cưới, cúng giỗ để thực khách ăn được no. Nhưng nay phở chua đã xuất hiện ở nhiều quán ăn hay trong những gian hàng ẩm thực ở các chợ của tỉnh Cao Bằng. Lần đầu tiên thưởng thức, người dùng chưa thể cảm nhận được hết cái ngon và hương vị đậm đà của món ăn, nhưng khi đã quen thì vị thơm ngon của các loại gia vị, chua ngọt của nước sốt và độ dai dẻo của bánh phở sẽ làm bạn nhớ mãi không thể quên.
Theo kinh nghiệm du lịch Cao Bằng, phở Chua và bánh cuốn là hai món cực kì thu hút du khách khi đặt chân đến nơi đây.
6. Những điều lưu ý khi du lịch Cao Bằng
- Khi vào nhà, nếu thấy ở cửa nhà, đầu cầu thang có cắm một cành lá xanh, đó là dấu hiệu không muốn người lạ vào nhà.
- Trong nhà, bàn thờ thường để ở gian giữa nhìn ra cửa chính. Khách khi đến chơi cần tránh đến gần, không đặt các vật dụng cá nhân, không sờ tay lên đồ thờ cúng. Nữ giới không được ngồi quay lưng vào bàn thờ.
- Người Nùng thường đặt ống hương ở ngoài sàn để cúng ma gầm sàn, người lạ không đến gần ống hương đấy
- Người Tày có tục thờ Phi Phỉng Phjầy (ma bếp lửa), khách đến cần tránh việc to tiếng hay cãi lộn bên bếp lửa.
Cao Bằng với vẻ đẹp hoang sơ, tự nhiều cùng khung cảnh núi nôn hùng vĩ chắc chắn sẽ không làm bạn thất vọng. Hãy lập kế hoạch để đến thăm Cao Bằng một ngày gần nhất, và có những trải nghiệm đáng nhớ tại đây nhé. Và đừng quên chia sẻ những kinh nghiệm du lịch Cao Bằng với HaloTravel nhé.
Bài viết bạn quan tâm: