Khám phá các chợ phiên Hà Giang đặc sắc và nổi tiếng nhất – Halo Travel

Khám phá Hà Giang, bạn không chỉ chiêm ngưỡng phong cảnh thiên nhiên mà còn có thể tham gia các chợ phiên Hà Giang khi đến các huyện Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc… Chợ phiên ở Hà Giang không chỉ là nơi mua bán, trao đổi hàng hóa mà đây còn là nơi bạn có thể trải nghiệm và thêm hiểu về những nét đặc sắc của dân tộc cực bắc Tổ Quốc.

1. Các chợ phiên Hà Giang thuộc huyện Yên Minh

Không chỉ nổi tiếng với những rừng thông hút mắt, huyện Yên Minh còn là huyện ở Hà Giang sở hữu nhiều chợ phiên nhất với nhiều nét đặc sắc.

Chợ phiên Du Già

Nằm cách trung tâm thị trấn Yên Minh hơn 60 km, chợ phiên Du Già diễn ra vào thứ 6 hàng tuần và chỉ kéo dài đến hết trưa. Chợ họp ngay ở trung tâm xã.

Cũng như các chợ phiên Hà Giang khác, chợ phiên Du Già là nơi để đồng bào dân tộc Tày, Mông, Xuồng, Dao,.. mua sắm, giao lưu và sinh hoạt văn hóa. Chợ bán đủ mọi mặt hàng, từ nhu yếu phẩm, trang phục, vật dụng… tới gia súc, gia cầm.

cho phien Ha Giang Du Gia

Ảnh: Sưu tầm

Ngoài ra, nếu đến đúng dịp là vào ngày 15/3 âm lịch hàng năm, du khách sẽ được tham dự một phiên chợ đặc biệt, được gọi là chợ “tình” hay chợ “phong lưu”.

Điểm khác biệt với chợ tình Khau Vai hay chợ tình Sapa là nơi trai gái giao lưu tìm hiểu thì chợ “tình” Du Già lại là chợ tình anh em, tình bạn bè. Điều này bắt nguồn từ những truyền thuyết của người H’mông Đen.

tham quan cho phien Du Gia

Ảnh: Sưu tầm

Những phiên chợ ở Yên Minh nổi tiếng có:

  • Chợ Bạch Đích có 3 phiên chợ họp trong cùng 1 tháng là: chợ trung tâm xã, chợ Bản Muồng, chợ Mốc 9 (còn gọi là chợ Mốc 358). Các chợ này đều họp theo các phiên rơi vào ngày Thân và những ngày Dần trong tháng
  • Chợ Đường Thượng họp vào sáng thứ 6 hàng tuần.
  • Chợ Mậu Duệ, Chợ Sủng Tráng họp vào buổi sáng chủ nhật

2. Các chợ phiên Hà Giang thuộc huyện Đồng Văn

Đồng Văn là khu vực mà các du khách chắc chắn sẽ ghé qua khi khám phá Hà Giang, vì thế bạn đừng bỏ lỡ việc tham gia các chợ phiên nhé!

Chợ Phố Cáo

Nằm cách thị trấn Đồng Văn chừng 25 km, nằm bên QL4C, chợ Phố Cáo là nơi mua bán hàng hóa, sản vật địa phương và là nơi giao lưu văn hóa giữa 17 dân tộc sinh sống trên địa bàn các xã vùng biên. Chợ lùi họp luân phiên 1 tuần/lần và  tuần sau lùi lại một ngày so với tuần trước.

cho phien Ha Giang - cho phien pho Cao

Ảnh: Sưu tầm

Phiên chợ kéo dài từ sáng sớm cho đến quá trưa; nhộn nhịp nhất là từ 7 – 8giờ trở đi. Mọi người nói chuyện, mua bán, ăn uống tạo nên cảnh tượng huyên náo.

Các bà, các mẹ, các chị sẽ diện những bộ trang phục đẹp nhất, sau lưng thồ hàng hóa, mang đủ thứ nông sản, hạt giống, vật liệu rồi cả lợn, gà, bò,… Thú vị nhất là những mặt hàng thủ công mang đặc trưng của từng vùng, có hàng Trung Quốc…

Ảnh: Sưu tầm

Đến chợ phiên Phố Cáo, bạn sẽ không thể kìm lòng mà muốn thưởng thức những món ăn đặc sản. Đó là thúng xôi ngũ sắc dẻo thơm, rồi là bánh bò màu vàng ăn xốp xốp bùi bùi, bánh màn thầu hay những bát bún, bát phở phở nóng hổi, nồi thắng cố – món ăn truyền thống của người Mông.

Ảnh: Sưu tầm

Chợ Lũng Phìn

Chợ phiên Hà Giang tiếp theo mà Halo Travel giới thiệu là chợ Lũng Phìn, cách thị trấn Đồng Văn chừng 35 km Đây cũng là phiên chợ lùi, chỉ họp vào các ngày Dần và ngày Thân. Người dân đến chợ để tụ họp, gặp gỡ chuyện trò, buôn bán. Mọi người thoải mái vui chơi, uống rượu, múa khèn, thổi kèn, hát giao duyên,… Trẻ con được đến chợ thỏa thích nô đùa,…

chợ phiên Lũng Phìn

Ảnh: Sưu tầm

Du khách đến đây ngoài chiêm ngưỡng những bộ trang phục đậm tính dân tộc thì còn có thể hòa mình vào không khí nhộn nhịp nơi đây, nghe thêm tiếng dân tộc “lạ tai” hay thử những đặc sản vùng cao như: chè tuyết Lũng Phìn, rượu ngô, mật ong bạc hà, thịt bò khô hay những sản phẩm thổ cẩm tinh tế.

Ảnh: Sưu tầm

Chợ Sà Phìn

Chợ phiên Sà Phìn nằm ở huyện Sà Phìn, cách trung tâm Hà Giang khoảng 140km. Chợ họp ngay cổng dịnh thự nhà họ Vương – ngôi nhà “quyền lực” nhất vùng núi phía Bắc những năm về trước.

Phiên chợ họp từ tờ mờ sáng cho đến khoảng quá giờ trưa thì vãn và đến tầm 3-4h chiều thì tan hẳn.

Đến chợ Sà Phin, bà con sẽ mang theo các đồ vật, nông sản hay những dụng cụ mà nhà tự làm, rồi để cùng trao đổi, mua bán. Đây là một trong số ít các chợ phiên Hà Giang còn lưu giữ được nhiều bản sắc của người dân nơi rẻo cao.

cho phien Ha Giang Sa Phin

Ảnh: Sưu tầm

Góc bên phải cuối chợ chuyên phục vụ đồ ăn, nơi luôn tập trung nhiều người nhất. Họ ăn uống, trò chuyện, uống rượu tạo nên bầu không khí nhộn nhịp. Bạn nhất định phải thử bánh lơ khoái – món ăn chỉ có ở chợ phiên Sà Phìn.

Ảnh: Sưu tầm

Ngoài ra ở Đồng Văn còn có các chợ phiên khác như:

  • Chợ Đồng Văn họp ở trung tâm thị trấn vào sáng chủ nhật hàng tuần.
  • Chợ Sủng Là được họp 1 lần/tuần, mỗi tuần lại họp lùi với tuần trước 1 ngày
  • Chợ Ma Lé họp vào các ngày Tý và các ngày Ngọ
  • Chợ Lũng Cú họp vào ngày Mùi và ngày Sửu
  • Chợ Phó Bảng họp vào các ngày Ngọ và các ngày Tý

Xem thêm: Chinh phục vách đá thần, ngắm trọn vẻ đẹp Hà Giang

3. Chợ phiên Mèo Vạc Hà Giang

Chợ phiên ở Mèo Vạc Hà Giang là khu chợ lớn nhất của Hà Giang, thu hút đông đảo người dân địa phương và cả khách du lịch.

Chợ trung tâm huyện Mèo Vạc

Chợ phiên Hà Giang Mèo Vạc họp ở gần trung tâm thị trấn và chỉ họp duy nhất vào ngày Chủ Nhật hàng tuần. Đối với đồng bào vùng cao, chợ phiên không chỉ là nơi mua bán các nhu yếu phẩm hàng ngày mà còn như một buổi “đi chơi” giao lưu tâm tình.

Vì thế mà đến chợ phiên Mèo Vạc, bạn không chỉ bắt gặp vô số các loại hàng hóa nào là rau củ, đồ ăn, thảo dược, gia vị rồi là đồ vải lanh, đồ thổ cẩm, trang sức,.. mà còn hòa mình vào không khí náo nức và chiêm ngưỡng những bộ trang phục dân tộc đẹp nhất của chị em phụ nữ.

cho phien Ha Giang huyen Dong Van

Ảnh: Sưu tầm

Đặc biệt, khi tham quan chợ phiên Mèo Vạc bạn sẽ không thể bỏ qua khu ẩm thực. Bạn sẽ có cơ hội được thưởng thức nhiều món ăn truyền thống được chính tay người dân tộc chế biến như: bánh đá nướng, mèn mén, thắng cố, bánh rán, phở,…

Vào các ngày 14, 15, 16 âm lịch hàng tháng, tại chợ phiên sẽ diễn ra các hoạt động văn hoá mang đậm bản sắc văn hóa vùng cao như thi chọi chim, chọi gà, trình diễn dệt thổ cẩm,…

cho phien Meo Vac

Ảnh: Sưu tầm

Chợ tình Khau Vai

Nhắc đến chợ phiên Hà Giang thì có lẽ chợ Tình Khâu Vai là cái tên được nhiều người biết tới nhất. Tên gọi chính xác là Khau Vai, theo tiếng Tày – Nùng nghĩa là “đèo gai” nhưng nhiều người đọc chệch thành Khâu Vai, hoặc có cái tên khác ít phổ biến hơn là chợ Phong Lưu.

Chợ tình Khau Vai đã có lịch sử hơn 100 năm và mỗi năm chỉ họp duy nhất một lần vào ngày 27/3 âm lịch. Chợ họp trong một thung lũng khá rộng và bằng phẳng thuộc xã Khâu Vai, cách trung tâm thị trấn Mèo Vạc hơn 30 km.

cho tinh Khau Vai Ha Giang

Ảnh: Sưu tầm

Chợ tình Khâu Vai ban đầu là nơi hò hẹn của những người đã lỡ dở tình duyên với nhau, yêu nhau mà không thể cưới nhau, nay mỗi người đều có duyên phận riêng của mình. Vì thế vào ngày này, họ hẹn nhau về chợ để tâm sự, thông báo cho nhau cuộc sống riêng của mỗi người. Họ không bực bội, ghen tuông mà tôn trọng nhau  nhau lẫn cả với những người bạn cũ của vợ, của chồng. Đây chính là nét văn hóa độc đáo, đậm tính nhân văn của người miền cao.

Ngày nay, chợ phiên Hà Giang này đã trở thành nơi để những thanh niên đến tìm tình yêu đôi lứa. Và chợ cũng bắt đầu bán nhiều loại hàng hóa hơn và cũng thường có các hoạt động văn hóa, trò chơi dân gian. Du khách cũng sẽ được chiêm ngưỡng đủ loại trang phục của các dân tộc Tày, Mông, Dao, Giáy,…

cho phien Ha Giang cho tinh Khau Vai

Ảnh: Sưu tầm

4. Chợ phiên ở Quản Bạ Hà Giang

Quản Bạ cũng là khu vực có nhiều chợ phiên đặc sắc, nằm giáp ranh với Trung Quốc cho nên đến chợ phiên này, du khách có thể khám phá thêm nhiều điều thú vị. Tại huyện Quản Bạ Hà Giang có các chợ phiên nổi tiếng đó là:

  • Chợ huyện được họp tại trung tâm Thị trấn Tam Sơn 1 tuần/lần vào sáng thứ 7
  • Chợ Cao Tả Tùng – phiên chợ của cả 3 xã Cao Mã Pờ, xã Tả Ván và xã Tùng Vài. được họp vào thứ 6
  • Chợ Bát Đại Sơn là chợ sát phía biên giới – là nơi giao thương với hàng hóa Trung Quốc.
  • Chợ Tráng Kìm họp vào ngày Mùi, ngày Sửu trong tháng
  • Chợ Nghĩa Thuận là chợ được họp vào ngày Thìn, ngày Tuất trong tháng. Hôm trước chợ họp ở Việt Nam thì lần tới sẽ họp ở Trung Quốc.

5. Lưu ý khi khám phá chợ phiên Hà Giang

Lịch chợ lùi chỉ có ở vùng cao Hà Giang:

    • Chợ Lũng Phìn: Lịch họp: Ngày 2, 8, 14, 20, 26 hàng tháng và ngày Dần, ngày Thân (theo lịch 12 con giáp).
    • Chợ Sà Phìn: Cổng Dinh thự nhà họ Vương, huyện Đồng Văn. Lịch họp: Ngày 5, 11, 17, 23, 29 hàng tháng và ngày Tỵ, ngày Hợi.
    • Chợ Phó Bảng: Ngày 6, 12, 18, 24, 30 hàng tháng (lịch dương) và ngày Tý, ngày Ngọ
    • Chợ Phố Cáo: Ngày 4, 10, 16, 28 hàng tháng và ngày Thìn, ngày Tuất.

Không nên mặc cả hoặc là kì kèo trả giá.

Không trêu gái bản và tại các khu chợ tình thì bạn không được mặc quần áo của đồng bào dân tộc, không được huýt sáo.

Trên đây là danh sách các chợ phiên Hà Giang. Khám phá chợ phiên được coi là một hoạt động mà bạn không nên bỏ qua khi khám phá vùng cao Tổ Quốc, đặc biệt là ở Hà Giang nơi sinh sống của rất nhiều đồng bào các dân tộc. Chúc bạn có những chuyến khám phá và thăm thú thật nhiều trải nghiệm.

Xem thêm:

Rate this post

Vân Bình

Mỗi chuyến đi sẽ mang đến cho bạn những trải nghiệm thú vị. Hãy cùng đồng hành cùng chúng mình để khám phá những điểm đến hấp dẫn, những quán ăn ngon hay các điểm checkin hot nhé!

Bài viết liên quan

Back to top button