10 ngôi chùa mang đậm kiến trúc Khmer ấn tượng nhất Miền Tây – Halo Travel
Về miền Tây Nam Bộ, bạn không thể bỏ qua các ngôi chùa Khmer với các kiểu kiến trúc độc đáo. Cùng Halo khám phá qua 10 ngôi chùa Khmer đẹp nhất miền Tây nhé!
Nội dung chính
1. Chùa Xiêm Cán
Chùa Xiêm Cán là một trong những ngôi chùa miền Tây lớn và đẹp lộng lẫy nhất trong hệ thống chùa Khmer ở Nam bộ. Chùa Xiêm Cán thuộc xã Hiệp Thành, TP. Bạc Liêu. Theo tư liệu cho biết, chùa được xây dựng năm 1887. Tính đến nay đã hơn 130 năm. Chùa cũng là nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng, diễn ra các lễ hội truyền thống của người Khmer.
Được biết, ngôi chùa Khmer ở Bạc Liêu này được thiết kế theo kiến trúc Angkor của người Camphuchia. Sự đặc sắc của Chùa Xiêm Cán thể hiện ở họa tiết ở những mái vòm, tường, và các hàng cột và cầu thang. Xung quanh chùa là hàng rào được xây kiên cố, trang trí với nhiều hoa văn ấn tượng. Cổng chùa được đắp nổi và chạm khắc với nhiều hoa văn đậm sắc thái Khmer. Khuôn viên chùa Xiêm Cán chứa vô số cây xanh rợp bóng mát, vô cùng trong lành. Hằng năm, ngôi chùa thu hút hàng nghìn lượt khách đến tham quan và chiêm bái.
ảnh: @huyentuu
2. Chùa Ghôsitaram
Chùa Ghôsitaram nằm ở ấp Cù Lao, xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu. Ngôi chùa Khmer Nam Bộ này được xây dựng từ năm 2001 với tổng diện tích gần 430m2, chiều cao 36,3m. Chánh điện được xây theo kiến trúc vừa cổ điển vừa hiện đại. Mang sắc thái hài hòa giữa kiến trúc truyền thống của Phật giáo Nam tông Khmer với tinh hoa văn hóa dân tộc. Đây được xem là chánh điện chùa Khmer lớn nhất Việt Nam.
Khám phá chùa Ghôsitaram, bạn sẽ thấy nơi đây sở hữu những ngọn tháp cao chót vót. Bên cạnh đó, còn có hàng chục hình tượng con rồng được bố trí ở phần nóc. Chánh điện của chùa được điêu khắc vô cùng tỉ mỉ với hàng trăm nghìn hình tượng khác nhau theo truyền thuyết Tam tạng kinh của Phật giáo. Mọi ngóc ngách đều được chạm trổ bằng những bàn tay khéo léo của các nghệ nhân Khmer. Tất cả tạo thành một công trình văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc.
ảnh: @hong.hanhnt
3. Chùa Wathserâytêchô – Mahatup
Chùa Wathserâytêchô – Mahatup (phiên âm từ tiếng Khmer còn được gọi là chùa Dơi). Về sau đọc lại từ Mahatup thành “Mã Tộc”. Từ đó, cái tên chùa Mã Tộc hình thành. Năm 1999, chùa Dơi được công nhận di tích quốc gia.
Chùa Khmer này nằm cách trung tâm thành phố khoảng chừng 2 km, là một ngôi chùa có lịch sử lâu đời bật nhất Sóc Trăng. Xung quanh chùa là một cánh rừng với đủ thể loại cây. Sở dĩ ngôi chùa có tên là Chùa Dơi vì đây là “nhà” của rất nhiều con dơi.
Hiện người dân ở đây vẫn chưa tính được đàn dơi của ngôi chùa Khmer ở Sóc Trăng này có bao nhiêu con, chỉ ước lượng khoảng vài vạn con. Có một điều kì lạ đó là là dơi không ăn trái cây vùng lân cận cũng như trái cây trong khuôn viên Chùa, mà phải đi ăn rất xa. Đây là lí do vì sao người ta muốn một lần tận mắt chứng kiến những hiện tượng đặc biệt này.
ảnh: @toitoi112
4. Chùa Chén Kiểu
Chùa Sro Lôn tọa lạc bên Quốc lộ 1A, cách Trung tâm thành phố Sóc Trăng khoảng 12 km về hướng Bạc Liêu; nay thuộc xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng. Ngôi chùa Khmer này còn có tên gọi theo dân gian là chùa Chén Kiểu. Sở dĩ có tên gọi này là do những hoa văn trang trí trong kiến trúc chùa được lắp ghép từ vô số mảnh vỡ của tô, chén, dĩa kiểu, kết hợp cùng những mảnh gạch men nhỏ… vô cùng khéo léo và tinh tế.
Chùa Chén Kiểu chỉ thờ duy nhất Phật Thích Ca (một nét riêng của các ngôi chùa Khmer tại miền Nam). Ở đây có khoảng hơn 20 tượng Phật Thích Ca lớn nhỏ khác nhau, đủ các tư thế từ đứng, ngồi, nằm. Đặc biệt, tất cả tượng Phật ở chùa Chén Kiểu đều có điểm chung là hướng về phía Đông nhằm ban phúc lành cho toàn thể tín đồ.
ảnh: @trungmuoi_bonglan
5. Chùa Bôtum Vong Sa Som Rong
Chùa Bôtum Vong Sa Som Rong cũng nằm trong số các chùa Khmer Tây Nam Bộ, tọa lạc tại số 367 Tôn Đức Thắng, K2, P5, Tp. Sóc Trăng, cách chùa Kh’leang khoảng 1.700m về hướng thị trấn Đại Ngãi. Ngôi bảo tháp cao đến 25m trong chùa là điểm check-in thu hút đông đảo giới trẻ miền Tây. Ngôi bảo tháp có bốn hướng với bốn lối đi. Là đại diện của từ, bi, hỷ, xả. Hai bên lối dẫn lên bảo tháp được trang trí hình tượng rắn thần Naga cùng các hoa văn Khmer được trạm khắc rất tinh xảo, tỉ mỉ.
Khám phá chùa Bôtum Vong Sa Som Rong, bạn sẽ thấy ở vị trí trung tâm của bảo tháp là tượng Phật Thích Ca được sơn son, thiếp vàng rất trang nghiêm, mặt quay về hướng đông. Bảo tháp gồm có hai tầng, tầng trên là nơi lưu giữ tro cốt các vị đại đức, trụ trì chùa. Hiện, bảo tháp đã lưu giữ tro cốt của 04 vị cố hòa thượng, thượng tọa, trụ trì chùa qua các thời kỳ gồm: Lý San, Thạch Mom, Lý Sum, Trần Phiên. Tầng dưới là nơi lưu giữ tro cốt tập thể, là những người không có khả năng xây dựng tháp riêng… và hiện đã có trên 400 lọ tro cốt.
ảnh: @nganbella1996
6. Chùa Khmer chùa Âng
Chùa Âng, gọi theo ngôn ngữ Paly là Wat Angkor Raig Borei. Chùa tọa lạc tại Phường 8, thành phố Trà Vinh, cách trung tâm hơn 5 km về hướng Tây Nam và cách quốc lộ 53 hơn 500 m về hướng Đông. Giống như bao ngôi chùa Khmer ở Trà Vinh khác, chùa Âng là một quần thể các công trình kiến trúc bao gồm tăng xá, giảng đường dạy chữ Paly và chữ Khmer. Ngôi chùa quay về hướng đông, thể hiện Phật Thích ca ở Tây phương nhìn về hướng Đông để độ trì chúng sinh.
Việc xây dựng ngôi chùa lộng lẫy, uy nghi vào giữa thế kỷ XIX đã chứng tỏ rằng, vào thời điểm ấy đã tồn tại những phum sóc Khmer có mật độ dân cư khá đông đúc, đời sống kinh tế tương đối sung túc. Ở đây trình độ nghệ thuật kiến trúc, hội họa, điêu khắc… đều thuộc dạng bậc nhất khiến các thế hệ trẻ hiện nay và du khách gần xa phải nghiêng mình thán phục. Do đó, chùa Âng được xem là một trong những ngôi chùa Phật giáo Khmer tiêu biểu. Đây cũng là nơi diễn ra nhiều sinh hoạt văn hóa, lễ hội. Trong đó phải kể đến lễ hội Ok om bok – di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào dịp Rằm tháng Mười âm lịch hằng năm.
ảnh: @sưu tầm
7. Chùa Vàm Ray
Chùa Vàm Ray tọa lạc ở huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Đây ngôi chùa Phật giáo Nam tông lớn nhất Việt Nam và theo phong cách Angkor Khmer. Ngôi chùa này không chỉ là ngôi chùa Khmer đẹp nhất mà còn là niềm tự hào to lớn của người dân địa phương. Chiêm ngưỡng chùa Vàm Ray, bạn sẽ ấn tượng nổi bật với màu sơn thếp vàng làm chủ đạo.
Tham quan chùa Vàm Ray, đảm bảo du khách sẽ phải choáng ngợp trước một kiến trúc lộng lẫy, uy nghiêm, bề thế. Ngôi chùa Khmer này hông khác gì một cung điện, tất cả hoa văn, họa tiết từng đường nét kiến trúc được điêu khắc, chạm trổ vô cùng khéo léo và công phu.
Du khách sẽ được nghe kể về lịch sử xây dựng chùa. Đó là người Phật tử có tên Trầm Bê đã đóng góp trên 20 tỷ đồng để xây dựng, phục chế hầu như hoàn toàn cảnh đẹp của chùa cùng với nhiều công trình khác như: chính điện, nhà tu, cổng chùa, tượng phật nằm lớn nhất Việt Nam có chiều dài 54m … Công trình này được thi công từ năm 2003 và đến 2008 thì hoàn thành trong sự vui mừng của đồng bào phật tử địa phương.
ảnh: @linh_bach_my
8. Chùa Kỳ Son
Chùa Kỳ Son tọa lạc ở ấp Sóc Rừng, xã Loan Mỹ, thuộc huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Là ngôi chùa Khmer độc đáo được xây dựng năm 1812 với diện tích 20.000 m2. Chánh điện là công trình chính của chùa, cửa chính quay theo hướng Đông – Tây. Dọc hai bên lối vào được trang trí tượng rắn năm đầu vươn cao hình rẻ quạt. Mái chánh điện lợp ngói vảy cá, được chia làm 3 cấp, trên dốc từng cấp mái có thân rồng nằm thoải.
Hiện nay, chùa có đến 2 đội nhạc ngũ âm để phục vụ cho lễ hội tại chùa và nhu cầu của người dân. Những dàn nhạc này còn đến tận gia đình có hữu sự phục vụ. Ngoài ra còn có các giàn nhạc cổ khác sẵn sàng đáp ứng nhu cầu thưởng thức của nhân dân.
ảnh: @sưu tầm
9. Chùa Cò
Chùa Cò hay còn gọi là chùa Nodol. Là một ngôi chùa Khmer cổ thuộc ấp Giồng Lớn, xã Đại An, huyện Trà Cú, cách thành phố Trà Vinh khoảng 40 km về phía Nam. Chùa được xây dựng vào năm 1677 và mang đậm kiến trúc đặc sắc của nền văn hóa Khmer. Bạn sẽ ấn tượng hình ảnh những mái chùa uốn cong hình đuôi rồng, đỉnh tháp nhọn giống như núi Xôme. Ngoài ra còn có các tượng thần như thần Riehu, thần bốn mặt Mhabrom, chim thần Kâyno…
Ngoài ra, đến đây bạn còn có dịp chiêm ngưỡng bức tranh tuyệt đẹp của những cánh cò trắng xóa hòa vào bầu trời xanh biếc bình yên. Văng vẳng đâu đó là tiếng kinh cầu nguyện, hòa phối nhịp nhàng với tiếng chim líu lo. Đây cũng chính là lí do mà cái tên chùa Cò đã trở nên quen thuộc. Từ chánh điện đến các khu sinh hoạt, ăn uống của các nhà sư, bạn sẽ bắt gặp đủ loại từ cò trắng, cò quắm, cò mỏ vàng, cò mỏ đen, cò mỏ trắng…
ảnh: @le__hai_
10. Chùa Pitu Khôsa Răngsây
Chùa Pitu Khôsa Răngsây hay còn gọi là chùa Viễn Quang. Nằm ở số 27/18 đường Mạc Đĩnh Chi, phường An Cư, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ. Ngôi chùa Miền tây này là một địa điểm tín ngưỡng nổi tiếng của bà con Khmer.
Chùa được xây dựng vừa giữ được nét kiến trúc đặc thù của văn hóa Khmer vừa thể hiện được nét hiện đại của kiến trúc Angkor và Khmer Nam Bộ. Đến nay,chùa vẫn còn lưu giữ văn hoá Khmer như đàn ngũ âm, các điệu múa Chja Dăm, múa dân gian Campuchia… Bạn sẽ có cơ hội thưởng thức những phần trình diễn đặc sắc. Đặc biệt trong những ngày lễ quan trọng như Tết Oóc Ôm Bóc, lễ Choi Chơ Năm Thơ Mây, lễ Dolta…
Chùa còn cung cấp chỗ ở và ăn cơm miễn phí cho các học sinh nghèo từ các tỉnh lân cận đến học tập tại Cần Thơ. Ngoài ra, họ còn được học thêm tiếng Khmer. Vừa làm công quả cho chùa, vừa học kinh Phật. Bên cạnh đó, chùa còn hỗ trợ một số phòng trọ sạch sẽ cho các thầy sư Khmer ở nơi khác đến.
ảnh: @sưu tầm
Trên đây là 10 ngôi chùa Khmer đặc sắc nhất khắp các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Nếu có dịp đến đây, bạn hãy một lần ghé thăm những ngôi chùa này. Đồng thời, chiêm ngưỡng những công trình mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào Khmer. Qua đó, bạn sẽ hiểu thêm về văn hóa và đời sống của cư dân Nam Bộ. Sẽ có nhiều điều thú vị đấy!
Bài viết bạn quan tâm: