Thiền Viện Trúc Lâm Đà Lạt: Điểm chiêm bái linh thiêng tại xứ ngàn hoa
Thiền Viện Trúc Lâm Đà Lạt được biết đến là một cụm công trình Phật giáo lớn nhất nhì tại thành phố này. Thiền viện ngự trên đỉnh núi Phụng Hoàng, nhìn ra hồ Tuyền Lâm thơ mộng. Đây là nơi chiêm bái, là điểm đến không thể bỏ lỡ của các Phật tử cũng như du khách khi đi du lịch Đà Lạt.
Nội dung chính
1. Vài nét cơ bản về Thiền Viện Trúc Lâm Đà Lạt
- Địa chỉ: Đường Trúc Lâm Yên Tử, Phường 3, TP Đà Lạt
- Giờ mở cửa tham quan: 5h00 – 21h00
- Vé vào cửa: Miễn phí.
Thiền Viện Trúc Lâm Đà Lạt nằm cách trung tâm thành phố khoảng hơn 7km. Thiền viện thuộc phái Thiên Yên Tử, được bình chọn là một trong 3 thiền viện lớn nhất cả nước.
Đến với thiền viện, bạn sẽ như được hòa mình vào thiên nhiên, về với cửa Phật an yên và tĩnh lặng. Nơi đây sở hữu không gian yên bình, thanh tịnh giúp bạn quên đi những muộn phiền, lo lắng của cuộc sống thường nhật. Hàng năm, địa điểm tâm linh này luôn thu hút một lượng lớn khách du lịch tham quan, tạo nên vẻ đẹp khác biệt cho xứ sở ngàn hoa Đà Lạt.
Ảnh: @thuyhoangnhu
Để đến được thiền viện Trúc Lâm, từ trung tâm thành phố, bạn hãy đi theo hướng chợ Đà Lạt, băng qua cầu Ông Đạo và rẽ vào trục đường Trần Quốc Toản. Sau khi đến đây, bạn đi thẳng đến đường 3/4 qua đèo Prenn. Trên đường đi, ngọn núi Phụng Hoàng sừng sững với hình tượng Phật vàng lớn sẽ dẫn bạn vào với thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt.
2. Truyền thuyết Thiền Viện Trúc Lâm
Truyền thuyết kể lại rằng, vào một ngày năm 1986, khi sư thầy Thích Thanh Từ đang ngủ say và chìm trong giấc mộng, ông đã mơ thấy mình ôm lấy cổ của một con chim Phụng Hoàng tuyệt đẹp bay lên trời cao. Sau khi tỉnh dậy, ngài đã chiêm nghiệm về giấc mơ của mình. Ngài nhận thấy những ưu ái về vẻ đẹp của thiên nhiên Đà Lạt, cho rằng đây là nơi thích hợp để các tăng ni Phật tử tụ họp và tu hành.
Vài ngày sau đó, hòa thượng Thích Thanh Từ đã phác họa sơ đồ của Thiền Viện Trúc Lâm sau khi đi khảo sát địa hình tại núi Phụng Hoàng. Đến năm 1993, Thiền Viện Trúc Lâm Đà Lạt bắt đầu được xây dựng. Công trình này hoàn thành vào năm 1994 với nét kiến trúc vô cùng đặc biệt, không hề trộn lẫn được.
Ảnh: @hoajuly
3. Thiền Viện Trúc Lâm có gì đặc biệt?
Lối kiến trúc độc đáo, bắt mắt
Có thể nói rằng, Thiền Viện Trúc Lâm Đà Lạt là thiền viện có kiến trúc độc đáo và độ sộ nhất nhì hiện nay. Chánh điện thiền viện có diện tích 192m2. Ở ngay giữa chính điện là nơi đặt bức tượng Phật Thích ca Niêm Hoa Vi Tiếu, bên phải có tượng Đức Phật Bồ Tát Văn Thù cưỡi sư tử. Còn phía bên trái chính điện là tượng Bồ Tát Phổ Hiền cưỡi voi trắng 6 ngà cân đối và đẹp mắt.
Xung quanh chính điện là những bức phù điêu được chạm khắc tinh tế. Án thờ tại thiền viện cũng được làm bằng gỗ tự nhiên quý hiếm, chạm trổ công phu. Bên cạnh đó, khu vực hành lang trước chính điện là những cây cột lớn giả gỗ đồ sộ. Thiền viện được lợp ngói tráng men sang trọng. Điều đó đã khiến cho không gian nơi đây toát lên một vẻ đẹp kiêu sa, lộng lẫy và linh thiêng.
Ảnh: @banhbaodalat
Thiền Viện bao gồm Lầu Chuông được xây dựng bên phải chính điện. Lầu Chuông được chạm khắc khá tinh tế tạo thành những bức phù điêu mang ý nghĩa tâm linh, Phật giáo sâu sắc. Hồng chung tại Thiền Viện Trúc Lâm có cân nặng lên đến 1,1 tấn. Khi bước vào Thiền Viện Trúc Lâm Đà Lạt, bất kỳ ai cũng sẽ phải choáng ngợp và bỡ ngỡ trước công trình kiến trúc vô cùng độc đáo này.
Không gian bình yên, thanh tịnh của Thiền Viện Trúc Lâm Đà Lạt
Khi đến Thiền Viện Trúc Lâm, bạn sẽ được chìm đắm trong khung cảnh yên bình, thanh tịnh hiếm nơi nào có được. Bạn sẽ muốn dừng chân tại đây, bỏ xa những khói bụi, xô bồ của cuộc sống thường nhật và tìm thấy bản ngã của mình.
Ảnh: @peibifang
Bên cạnh đó, khi tới đây bạn có thể đến Tham Vấn Đường để nghe các vị hòa thượng giảng Thiền vào ngày 14 và 19 âm lịch. Ngoài ra, du khách có thể trải nghiệm cáp treo đi lên đỉnh núi Phụng Hoàng. Khi đi cáp treo ở Đà Lạt, bạn sẽ được ngắm nhìn toàn cảnh núi rừng Đà Lạt mờ ảo trong sương mù. Chắc chắn rằng, đó sẽ là một trải nghiệm thú vị mà du khách không nên bỏ lỡ.
- Giá vé cáp treo 1 chiều: 50.000đ/người
- Giá vé cáp treo khứ hồi: 70.000đ/người
5. Đến Thiền Viện Trúc Lâm nên ăn gì?
Đến Thiền Viện Trúc Lâm du khách có thể thưởng thức những bữa cơm chay dân dã cùng các tăng ni Phật tử. Hoặc bạn cũng có thể ghé một số quán ăn nhẹ phía bên ngoài thiền viện. Nơi đây còn bán cả các đồ lưu niệm để du khách mua về làm quà cho người thân.
Ảnh: @cucmoheo00
Còn nếu muốn ăn no và nghỉ ngơi sau khoảng thời gian khám phá Thiền Viện Trúc Lâm, du khách hãy tới nhà hàng cáp treo trước cổng thiền viện. Xa hơn, bạn có thể men theo đập nước của hồ Tuyền Lâm và sẽ tìm thấy một vài quán ăn, cafe ven đường với đầy đủ các món ngon và thức uống cho bạn lựa chọn.
6. Một số lưu ý khi tham quan Thiền Viện Trúc Lâm Đà Lạt
Khi đến Thiền Viện Trúc Lâm Đà Lạt, bạn cần chú ý một vài vấn đề sau đây:
- Thiền viện là chốn linh thiêng, là nơi tu hành của nhiều Phật tử. Do đó, khi tham quan bạn cần mặc trang phục lịch sự.
- Tại chánh điện, du khách cần bỏ dép ngoài cửa trước khi vào hành hương, bái Phật.
- Không được chụp ảnh, check in bên trong chánh điện.
- Khu nội tăng, nội ni cấm du khách vào tham quan.
- Lối xuống hồ Tuyền Lâm có đến 140 bậc thang, những người sức khỏe yếu, người già không nên đi.
- Vé vào cửa và vé giữ xe tại thiền viện là miễn phí.
- Đường lên thiền viện có một vài nơi khá dốc và nguy hiểm. Do đó bạn có thể lựa chọn đi cáp treo hoặc đi vòng đường phía sau thiền viện để an toàn hơn.
Ảnh: @truongminh.tho
Nếu có dịp đến với thành phố mộng mơ này, nhất định bạn nên ghé thăm Thiền Viện Trúc Lâm Đà Lạt nhé. Đây sẽ là chốn an yên, thanh tịnh để du khách tìm về sau những ngày tháng miệt mài với đời sống xô bồ, tấp nập ngoài kia đấy.
Có thể bạn quan tâm: