Tết Nguyên Đán là gì? Nguồn gốc và ý nghĩa đằng sau lễ Tết truyền thống – HaloTravel
Tết Nguyên Đán là dịp lễ lớn và quan trọng nhất trong năm ở một số nước châu Á, đặc biệt là Việt Nam. Đây là một nét văn hóa truyền thống lâu đời, xây dựng nên một bản sắc độc đáo mà không một nơi nào có. Bài viết dưới đây, Halo Travel giúp bạn tìm hiểu một cách chi tiết về lễ Tết truyền thống rằng Tết Nguyên Đán là gì, những thông tin, câu chuyện thú vị xoay quanh vấn đề này.
Nội dung chính
1. Tết Nguyên Đán là gì?
Tết Nguyên Đán hay còn có tên gọi khác là Tết Âm Lịch, Tết Cổ Truyền, Tết Cả và Tết Ta. Đây là một dịp lễ truyền thống được tổ chức vào ngày đầu năm mới theo lịch âm. Tết được tổ chức phổ biến ở các nước Đông Á, theo thời gian, hiện nay trên thế giới chỉ còn ba nước là Việt Nam, Trung Quốc, Triều Tiên giữ được truyền thống này.
Ảnh: Trương Giang
Tết Nguyên Đán là một giá trị truyền thống mang đậm cốt cách, văn hóa và tinh thần của người Việt Nam. Không chỉ đơn thuần là chào đón một năm mới sang, vào thời điểm nghỉ Tết, mọi người sẽ tạm gác mọi hoạt động, những lo toan về cuộc sống mưu sinh. Tất cả sẽ cùng hoan hỉ mở lòng với thiên nhiên đất trời, quay trở về nhà sống với những điều vốn bình dị nhất, bày tỏ yêu thương đến ông bà, tổ tiên, những người hàng xóm, bạn bè thân thương. Và quan trọng nhất là mọi người đều trao cho nhau những lời chúc, lời cầu mong cho một năm mới an lành, may mắn.
2. Nguồn gốc của Tết Nguyên Đán
Tết Nguyên Đán đã có từ lâu đời, đã ăn sâu vào tâm khảm của từng người để rồi khi nhắc đến từ Tết thôi là ai nấy cũng rạo rực.
Tết Nguyên Đán bắt nguồn từ nền nông nghiệp lúa nước ở các nước Á Đông. Do nhu cầu canh tác mà người ta đã phân chia thời gian trong năm thành 24 tiết và mỗi tiết sẽ có khoảnh khắc “giao thừa”. Và trong đó, thời điểm đặc biệt nhất chính là lúc bắt đầu cho một chu kì canh tác, mà sau này được gọi là Tết Nguyên Đán. Thời điểm này cũng chính là lúc xuân sang, cây cối đâm chồi nảy lộc, dự báo cho một chu kì gieo trồng đầy thuận lợi. Mà theo Âm lịch thì đây là thời điểm chuyển giao giữa năm cũ và năm mới.
Ảnh: Doan Bach
Hiện nay có nhiều thuyết nghiên cứu về việc Tết Nguyên Đán bắt nguồn từ Trung Quốc hay có nguồn gốc từ đất Việt. Nhưng trên thực tế, cách tính ngày Âm ở Việt Nam và Trung Quốc có sự chênh lệch nên ngày Tết của hai nước không hoàn toàn trùng nhau. Theo lịch sử của mỗi nước, ở Việt Nam từ thời Lý – Trần – Lê đã hành lễ Tết hằng năm. Còn Trung Quốc thì có từ thời Tam Hoàng Ngũ Đế 2879 TCN và thay đổi theo từng thời kì.
Ảnh sưu tầm
Ở một số nước Đông Á và Đông Nam Á như (Việt Nam, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Triều Tiên, Singapore…), việc họ tổ chức ngày lễ cổ truyền này phần nhiều là do ảnh hưởng sự mở rộng văn hóa Trung Hoa. Việc giao lưu văn hóa ở khắp dải đất hình chữ S hay các nước khác đã cho thấy có sự tương đồng về ngày Tết cổ truyền. Và chúng ta hoàn toàn có thể tự hào bởi những nét văn hóa độc đáo chỉ có ở khu vực này.
Xem thêm: Lịch nghỉ Tết 2022 Âm lịch và Dương lịch là bao nhiêu ngày?
3. Ý nghĩa của Tết Nguyên Đán
Ở Việt Nam, Tết Nguyên Đán có rất nhiều ý nghĩa và thể hiện đúng với tinh thần và bản sắc của dân tộc. Và thậm chí, riêng mỗi cá nhân, đây cũng là dịp đặc biệt của họ.
Theo quan niệm của phương Đông, Tết là thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, mang ý nghĩa tâm linh khi có sự hòa thuận giữa đất trời, âm dương. Vào thời điểm này mọi người sẽ cùng bày tỏ lòng thành kính với các vị thần, ông bà tổ tiên… Cùng cầu chúc cho một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, làm ăn phát đạt, an khang thịnh vượng.
Ảnh sưu tầm
Tết là thời điểm để mọi người đoàn tụ, để quay trở về quê hương, gác bỏ mọi âu lo, ưu phiền của cuộc sống. Trở về với mái ấm gia đình, được ăn bữa cơm mẹ nấu, được thưởng mâm cỗ linh đình, được gặp gỡ bạn bè và chúc Tết người thân, xóm làng. Với mỗi con người xa quê, cảm giác được về nhà ăn Tết luôn là một điều rất đỗi thiêng liêng. Có nhà để về, có mâm cao cỗ đầy, có hương vị thân quen, con cháu sum vầy. Đấy là điều mà bất cứ một ai cũng ao ước và mong chờ. Và chỉ có Tết mới mang lại cho chúng ta cảm giác đó.
Ảnh: Trường Giang
Năm mới cũng là lúc mọi người dành những lời tốt đẹp cho nhau, cùng chúc cho một năm thật an lành và may mắn. Trước Tết mọi người sẽ soạn sửa lại nhà cửa, đi chợ Tết, mua thật nhiều áo mới. Năm mới qua sẽ dành cho nhau món quà, lì xì trao tặng những lời chúc thân thương. Trẻ con rộn ràng tiếng cười, người lớn cụng chúc chén rượu nồng. Mấy khi mới có được tình cảm chân thành như thế này.
Ảnh sưu tầm
Tết cũng là “sinh nhật” của mọi người. Một năm mới sang, một tuổi mới đến. Bao nhiêu dự định, bao nhiêu mong chờ cuối cùng có thể thực hiện được. Tuy nhiên, cũng có đôi người lại có cảm giác “hụt hẫng” vì lại “già đi một tuổi”. Nhưng điều đó lại khiến họ trân trọng cuộc sống và những người xung quanh mình.
4. Những hoạt động xung quanh Tết Nguyên Đán
Rằm tháng Chạp: lễ cúng rằm của tháng tổng kết cuối cùng của một năm, chuẩn bị cho lễ cúng ông Táo và lễ Giao Thừa đón năm mới.
Cúng ông Công ông Táo: vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm, người Việt sẽ cúng ông Công ông Táo (Táo Quân) – người người ghi chép tất cả những việc làm tốt xấu mà chủ nhà đã làm trong năm cũ và báo cáo với Ngọc Hoàng. Lúc này người ta sẽ làm mâm cơm, dựng cây nêu và cũng chuẩn bị tươm tất mâm ngũ quả để cúng năm mới.
Tất niên: là ngày cuối cùng của năm, con cháu trong nhà sẽ sum họp để ăn bữa cơm cuối cùng của năm. Nhiều nơi thì có thể tụ tập bạn bè, hàng xóm để cùng nhau đi ăn tiệc.
Ảnh sưu tầm
Giao thừa: là khoảnh khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, lúc này mọi người cũng sẽ cúng giao thừa, xem bắn pháo hoa, các chương trình đêm 30, tới nhà xông đất, lì xì cho nhau…
Một số hoạt động khác: Ba ngày Tân niên, xuất hành hái lộc, chúc Tết, viếng thăm, mừng tuổi….
Tổ chức các lễ hội: tùy vào từng địa phương và phong tục từng nơi sẽ có những lễ hội khác nhau như: hội làng, hội đình, lễ hội Đống Đa, lễ hội chùa Hương, Khai ấn đền Trần, Giỗ tổ Hùng Vương…
Trên là những thông tin về Tết Nguyên Đán là gì, nguồn gốc và ý nghĩa của ngày Tết. Mong rằng với những thông tin này bạn có thể biết thêm về ngày lễ truyền thống của dân tộc. Và đừng quên theo dõi Halo Travel để biết thêm nhiều kiến thức thú vị khác.
Có thể bạn quan tâm: