Thiền Viện Trúc Lâm Chánh Giác ‘tiểu Ấn Độ’ nơi lòng Tiền Giang – Halo Travel

Thiền Viện Trúc Lâm Chánh Giác là địa điểm du lịch mang đậm dấu ấn tâm linh của người dân Nam Bộ. Đây là một trong những thiền viện có quy mô lớn hàng đầu cả nước. Sở hữu kiến trúc độc đáo, đây được ví như một tiểu Ấn Độ giữa mảnh đất “gạo trắng nước trong”. Chính vì vậy, thiền viện đã trở thành điểm check-in được nhiều bạn trẻ săn đón. Cùng Halo Travel khám phá địa điểm đẹp bậc nhất Tiền Giang này nhé!

1. Đôi nét về Thiền Viện Trúc Lâm Chánh Giác

Thiền Viện Trúc Lâm Chánh Giác nằm sâu trong vùng trũng, thuộc ấp 1 xã Thạnh Tân, huyện Tân Phước, Tiền Giang. Thiền viện thuộc hệ phái Trúc Lâm Yên Tử nổi tiếng trong các dòng Phật Giáo Việt Nam. Đây thật sự là địa chỉ lý tưởng để các phật tử đến nghe giảng pháp.

thien vien 1 Ảnh: @tranyen.yan09

Thiền Viện Trúc Lâm Chánh Giác được khởi công xây dựng vào ngày 28 tháng 5 năm 2012, có tổng diện tích lên đến 230 ha. Điểm du lịch này được thiết kế theo lối kiến trúc mang đậm dấu ấn Phật Giáo dòng phái Trúc Lâm Yên Tử. Với vẻ đẹp nguy nga, hoành tráng, hàng năm, thiền viện thu hút hàng nghìn du khách trong và ngoài tình đến tham quan, thưởng cảnh.

thien vien Ảnh: @xinchao_vietnam.vn

Không chỉ vậy, nơi đây còn có không gian thiền tĩnh lặng, thanh tịnh cùng phong cảnh thơ mộng, hữu tình. Nhiều du khách thích ghé đến thiền viện để vãn cảnh, bỏ lại mọi bộn bề, lo toan trong cuộc sống và cảm nhận sự an yên trong tâm hồn.

2. Cách đi đến Thiền Viện Trúc Lâm Chánh Giác

Nằm ở vùng hoang hóa của Tiền Giang, Thiền Viện Trúc Lâm Chánh Giác Tiền Giang cách thành phố Mỹ Tho 40km, quốc lộ 1A khoảng 20km và đường Tràm Mù hơn 500m. Xuất phát tại trung tâm thành phố Mỹ Tho, bạn đi theo hướng tây về phía đường Ấp Bắc và vào quốc lộ 60 để đến vòng xoay giao với quốc lộ 1A. Tại đây, bạn chú ý quan sát bảng chỉ dẫn rồi đi theo quốc lộ 1A đến ngã ba Tân Phước.

Tiếp tục rẽ phải vào đường tỉnh lộ 867 rồi đi đến ngã ba đầu tiên ngay cầu Tràm Mù. Bạn rẽ trái và tiếp tục di chuyển khoảng 1,2km là đến được Thiền Viện Trúc Lâm Chánh Giác. Đường đi từ trung tâm đến thiền viên rất thuận tiện, lại có nhiều bảng chỉ dẫn nên bạn không phải lo lạc đường. Hơn nữa, đây là thiền viện lớn nên đa số người dân địa phương đều thuộc lòng đường đi. Để yên tâm, bạn có thể hỏi thăm người dân.

thien vien 2.1Ảnh: @p.h.a.m.binh

Bật mí cho bạn là con đường từ Thị trấn Mỹ Phước đến thiền viện rất đẹp nên xe máy là lựa chọn tuyệt vời để di chuyển. Bạn sẽ đi qua con đường nhựa rộng, một bên là tàu ghe chạy tấp nập, một bên là những ruộng khóm trải dài. Cung đường rất “thơ” này cùng là địa điểm sống ảo tuyệt vời trước khi đến được thiền viện.

3. Nên đi Thiền Viện vào thời gian nào?

Tiền Giang mang tính chất khí hậu cận xích đạo, một năm có hai mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa khô. Mùa khô bắt đầu từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau, những tháng còn lại là mùa mưa. Vì vậy, để dễ dàng di chuyển cũng như thưởng thức vẻ đẹp của Thiền Viện, bạn nên đến đây trong khoảng từ tháng 1 đến tháng 3.

thien vien 3 Ảnh: @hoaco13

Nếu muốn đến thiền viện để cầu may mắn, tài lộc thì bạn nên chọn những ngày đầu năm mới. Vào dịp Tết, nơi đây thường có nhiều hoạt động cúng bái, lễ lộc, cầu an đầu năm. Đến chùa vào dịp này, bạn sẽ hoà mình trong không khí xuân vui tươi, rộn ràng. Nếu bạn muốn kết hợp tham quan thiền viện và làng hoa Tân Mỹ Chánh thì càng phải đến vào những ngày Tết nhé. Trong khoảng thời gian này, làng hoa nở rộ rực rỡ, đẹp đến nao lòng.

4. Thiền Viện Trúc Lâm Chánh Giác có gì độc đáo? 

Đến Thiền Viện Trúc Lâm Chánh Giác, bạn sẽ không khỏi trầm trồ trước vẻ đẹp nguy nga, bề thế của nơi đây. Cùng khám phá không gian kiến trúc được mệnh danh là “tiểu Ấn Độ” này có gì!

Cổng tam quan rộng lớn

Vừa đến Thiền Viện Trúc Lâm Chánh Giác, bạn sẽ bắt gặp cổng tam quan được xây dựng vững chắc. Cổng gồm có 3 lối đi, một lối chính giữa và hai lối bên tả, bên hữu. Cổng tam quan được thiết kế theo kiểu dáng mái cao, bốn góc tỉa về bốn hướng tựa tượng cầm đao vuốt râu. Mái cổng được lợp ngói dạng vi cá, màu đỏ, đỉnh trang trí hoa văn lưỡng long chầu bánh xe.

thien vienẢnh: @zen_viet

Lối đi chính giữa cổng khắc tên thiền viện tô son thếp vàng nổi bật. Đặc biệt nhất là hai trụ lớn chống đỡ được khắc nổi hai câu đối nói về thiền viện. Ngoài ra, trước cổng tam quan của sân trước còn có 4 trụ cao khoảng 10m, khắc câu chữ nho về Phật Giáo đầy thâm sâu.

Công trình kiến trúc đồ sộ tại nội viện và ngoại viện

Đến Thiền Viện Trúc Lâm Chánh Giác, bạn sẽ được chiêm ngưỡng lối kiến trúc độc đáo, kết hợp hài hoà giữa cổ kính và hiện đại. Nơi đây vừa mang những đặc trưng của lối kiến trúc truyền thống thuần Việt thời Lý – Trần, vừa tiếp thu kiểu thiết kế hiện đại. Vừa qua cổng tam quan, bạn sẽ đến khuôn viên rộng lớn với nhiều khối đá tảng khổng lồ, hồ nước lớn và cây đại thụ xoã bóng bao bọc xung quanh.

thien vien truc lam chanh giac 4.1 Ảnh: @yongke06

Thiền viện gồm có hai khu vực là nội viện và ngoại viện. Khu ngoại viện nổi bật với nhiều công trình kiến trúc nguy nga, tráng lệ như Chánh điện, Thiền đường, Tổ Đường, Giảng đường, lầu chuông, Nhà Trưng bày,… Khu nội viện được chia thành 4 Tăng đường, 1 Thiền đường và 10 Thất chuyên tu.

thien vien truc lam Ảnh: @datnavigator

Cách thiết kế của khu ngoại viện và nội viện đã để lại nhiều dấu ấn trong lòng du khách. Các kèo, cột chèo, xà ngang chống đỡ đều được xây dựng hoàn toàn bằng gỗ lim. Thân gỗ được điêu khắc, chạm trổ cầu kỳ, tinh xảo. Mỗi một góc của các khu nội viện, ngoại viện đều hiện lên vẻ uy nghi, cổ kính của câu đối, hoa văn, phù điêu,…

Bốn Thánh tích mang đậm nét kiến trúc Ấn Độ

Cơ ngơi Thiền Viện Trúc Lâm Chánh Giác nổi tiếng với kiến trúc bốn Thánh tích Phật Giáo mang nét đặc trưng của phái Trúc Lâm Yên Tử. Bốn Thánh tích gồm có vườn Lâm Tỳ Ni, Bồ Đề Đạo Tràng, vườn Lộc Uyển và Câu Thi Na. Đây là điểm nhấn quan trọng trong toàn thể kiến trúc thiền viện. Các Thánh tích này được thiết kế gần giống như nguyên mẫu ở Ấn Độ và Nepal.

thien vienẢnh: @nhu_y_travel.official

Giao thoa kiến trúc của tháp Đại Giác

Một trong những công trình nổi tiếng của Thiền Viện Trúc Lâm Chánh Giác là tháp Đại Giác nguy nga với chiều cao 31m. Kiến trúc tháp là sự kết hợp của nhiều phong cách thiết kế phương Đông Việt – Khmer – Thái – Ấn, điểm thêm những nét đặc trưng của phương Tây. Toà tháp sử dụng tông màu trắng kết hợp với các kiểu hoa văn chạm khắc tinh xảo tạo vẻ uy nghi.

thien vien truc lam 4.4Ảnh: @uyenle13

Đại Giác tháp có một toà chính lớn ở giữa, xung quanh bao quanh bởi những tiểu tháp với thiết kế vô cùng độc đáo. Điểm nhấn của tháp là phần đỉnh hình tam giác son vàng hướng thẳng lên trời. Tháp Đại Giác là nơi tổ chức các buổi lễ quan trọng của thiền viện.

5. Thiền Viện Trúc Lâm Chánh Giác có gì vui? 

Bên cạnh lối kiến trúc “có một không hai”, Thiền Viện Trúc Lâm Chánh Giác còn mang đến cho du khách nhiều trải nghiệm lý thú.

Trải nghiệm hoạt động Phật Giáo đặc sắc

Một trong những hoạt động không thể thiếu của Thiền Viện Trúc Lâm Chánh Giác là các buổi lễ cầu an, dâng hương. Dịp Tết đến xuân về, nơi đây thường đón khách thập phương trong và ngoài tỉnh đến tham quan, chiêm bái, cầu phúc. Vào ngày chủ nhật tuần thứ ba mỗi tháng, thiền viện sẽ có buổi sinh hoạt cho Phật tử. Ngoài ra, cứ hai tháng thiền viện sẽ tổ chức lễ truyền tam quy, ngũ giới cho Phật tử. Buổi lễ này thường thu hút đông đảo du khách về thăm viếng.

thien vien truc lam chanh giac 5 Ảnh: @zen_viet

Địa điểm “sống ảo” lý tưởng

Không gian đậm chất Ấn Độ tại Thiền Viện đảm bảo sẽ mang đến cho bạn những bức ảnh cực chất. Thiền viện vừa mang nét kiến trúc độc đáo, vừa có cảnh quan thơ mộng, tạo nên nhiều góc check in đẹp đến mê mẩn. Đến đây, bạn có thể lưu lại những khoảnh khắc đẹp ở các góc chụp độc lạ như tháp Đại Giác, Vườn Lâm Tỳ Ni, Vườn Lộc Uyển,…

thien vien truc lam 5.1Ảnh: @duotran

thien vien truc lam chanh giac 5.2Ảnh: @ryannguyen

Không gian thanh tịnh, thư thái tâm hồn

Thiền Viện Trúc Lâm Chánh Giác mang vẻ đẹp thanh lặng hiếm nơi đâu có được. Không chỉ là không gian trong khuôn viên, bao quanh thiền viện là đồng ruộng xanh mướt, thanh bình. Có người đến đây để vãn cảnh, có người muốn tìm một chốn bình yên giữa cuộc sống bộn bề, cũng có người chỉ muốn ở điện chính nghe giảng kinh Phật, cảm nhận tâm hồn lắng đọng.

Thiền viện trở nên đẹp hơn khi màn đêm buông xuống. Về đêm, nơi đây càng lung linh và bình yên đến lạ kì. Nếu bạn muốn khám phá bằng hết vẻ thanh tịnh của thiền viện thì có thể ở lại đến đêm để nghe tiếng chuông văng vẳng trong không gian tĩnh lặng.

thien vien 5.3Ảnh: @dang.99.nek

6. Kinh nghiệm đi Thiền Viện bạn nên biết

  • Thiền viện là chốn linh thiêng nên khi tham quan bạn cần chọn những trang phục kín đáo, lịch sự, tránh mặc đồ quá ngắn hoặc quá hở.
  • Không gian trong thiền viện vô cùng thanh tịnh, bình yên. Do đó bạn cần đi nhẹ, nói khẽ, không nên đùa nghịch hay trò chuyện quá lớn.
  • Khi viếng lễ, hành hương, bái Phật phải giữ thái độ tôn kính, tránh đùa cợt.
  • Không được viết, khắc chữ trên bất cứ công trình nào của thiền viện. Không hái hoa, ngắt cành làm ảnh hưởng đến mỹ quan bên trong.
  • Nếu bạn muốn có những bức ảnh sống ảo đẹp thì nên đi vào buổi sáng. Lúc này trời trong rất đẹp, ánh sáng cũng tốt. Bạn cần tránh chụp bên trong chánh điện.

Thiền Viện Trúc Lâm Chánh Giác Tiền Giang trở thành điểm du lịch đắt khách bậc nhất Tiền Giang không chỉ ở cơ ngơi hoành tráng mà còn bởi vẻ đẹp tĩnh lặng, thích hợp cho những ai muốn tìm một chốn bình yên. Nếu có dịp ghé đến mảnh đất miền Tây xinh đẹp, đừng bỏ lỡ cơ hội đến thiền viện. Tiếp tục theo dõi Halo Travel để cập nhật nhiều địa điểm du lịch hấp dẫn nhé.

Có thể bạn quan tâm:

Rate this post

Vân Bình

Mỗi chuyến đi sẽ mang đến cho bạn những trải nghiệm thú vị. Hãy cùng đồng hành cùng chúng mình để khám phá những điểm đến hấp dẫn, những quán ăn ngon hay các điểm checkin hot nhé!

Bài viết liên quan

Back to top button