Thánh địa Mẫu Sơn: chốn linh thiêng với nhiều huyền tích
Nếu là người yêu khám phá thì bạn không thể bỏ qua thử thách chinh phục thánh địa Mẫu Sơn. Đây là địa điểm du lịch tâm linh nằm ở độ cao lý tưởng cho chuyến “trekking” đầy mạo hiểm. Ngay sau đây, hãy cùng Halo Travel khám phá thánh địa Mẫu Sơn nhé!
Nội dung chính
1. Thánh địa Mẫu Sơn tọa lạc ở đâu?
Thánh địa Mẫu Sơn là nơi thờ thần núi Mẫu Sơn có tên gọi là “Đức Tôn Thần Công Tịnh Quang Mậu, Hùng Trấn Đại Vương, Thượng Đẳng Phúc Thần” của người Tày cổ (Mẫu Sơn, Lạng Sơn). Linh địa cổ Mẫu Sơn tọa lạc trên độ cao 1.190m so với mực nước biển, nằm trên một dải đất dài 400m, rộng 100m.
Đó chính là lý do người ta gọi nơi này là “linh địa chìm trong sương”. Hai bên thánh địa Mẫu Sơn là các khe nước nhỏ. Mặt tiền của thánh địa hướng về phía Nam bồn địa Na Dương – Lộc Bình. Bốn phía của thánh địa tiếp giáp với rừng nguyên sinh thuộc Tiểu khu 81A.
Theo phong thủy, khu thánh địa Mẫu Sơn nằm ở một vị trí đắc địa. Lưng tựa núi Mẹ, mặt hướng ra bồn địa Na Dương – Lộc Bình. Bên phải là phía Tây tiếp giáp với núi Cha hùng vĩ mây phủ quanh năm. Bên trái là phía Đông giáp với cánh rừng nguyên sinh trù phú.
Ảnh: Du lịch Mẫu Sơn
2. Cách di chuyển đến thánh địa Mẫu Sơn
Linh địa cổ Mẫu Sơn nằm ở độ cao gần 1200m so với mực nước biển. Do vậy, để lên được đến khu thánh địa linh thiêng này, du khách phải vượt qua những đèo đá dốc, những vực núi cao, khá nan giải. Xuất phát từ thị trấn Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn, du khách di chuyển theo đường cửa khẩu Chi Ma đến km số 7, gặp đường đất thì rẽ trái. Sau đó, bạn đi tiếp thêm 2km để đến trường Tiểu học xã Mẫu Sơn.
Ảnh: Du lịch Mẫu Sơn
Đến đây, bạn có thể gửi xe và chuẩn bị cho chuyến hành trình chinh phục đỉnh Mẫu Sơn. Bạn sẽ phải băng qua những con đường đất và đường mòn, băng qua rừng, vượt qua 3 ngọn núi với độ dài chừng 4km. Sau gần 3 giờ đồng hồ, bạn sẽ đến được khu thánh địa Mẫu Sơn.
Ảnh: Du lịch Mẫu Sơn
3. Huyền thoại về thánh địa Mẫu Sơn
Thánh địa Mẫu Sơn gắn liền với núi Mẫu Sơn và những truyền thuyết kỳ lạ được người ta truyền tai nhau qua bao đời. Chuyện kể rằng, thuở xưa, có một người đàn ông dân tộc Dao ở thôn Lạp Pịa, Lộc Bình đi vào rừng săn thú. Anh đi mãi, đến một khu rừng chưa từng có ai đặt chân đến, nghe nói là vùng đất thiêng. Anh nhặt được một viên đá rất đẹp liền mang về nhà và đặt trong bếp.
Ngay tối hôm đó, trời mưa tầm tã. Sáng ra, anh thấy phiến đá hôm qua mang về đang rỉ máu. Máu loang lổ ra trên nền căn bếp. Vô cùng kinh hãi, anh cõng viên đá chạy thục mạng lên đỉnh Mẫu Sơn, đến thánh địa thiêng lập đền thờ để cầu mong trời xá tội. Truyền thuyết kể lại rằng, đền thờ đá thiêng đó ngày nay trở thành di tích đền Mẫu Sơn, các vùng lân cận trở thành vùng linh địa cổ.
Ảnh: Du lịch Mẫu Sơn
4. Khám phá vẻ đẹp của linh địa cổ Mẫu Sơn
Thánh địa Mẫu Sơn được Bảo tàng tổng hợp Lạng Sơn khai quật vào năm 2003. Theo các nhà khảo cổ học, linh địa cổ này đã được xây dựng từ rất lâu đời, vào khoảng thế kỷ X đến thế kỷ XIX.
Ảnh: Sưu tầm
Chủ nhân của khu linh địa cổ này trước đây là người Tày, về sau được người Dao kế thừa nhưng không duy trì được. Vì thế, khu linh địa này đã bị bỏ hoang cho tới ngày hôm nay.
Có thể bạn quan tâm: Trọn bộ kinh nghiệm du lịch Điện Biện: Ăn, ở, vui chơi A – Z
Cấu trúc của thánh địa Mẫu Sơn
Khu linh địa nằm trên một bãi đất rộng với rất nhiều những tảng đá nằm đơn lẻ hay nằm theo cụm, không theo một trình tự nhất định. Và phần lớn những tảng đá đều có dấu vết chứng tỏ con người đã tác động lên nó. Tại linh địa cổ Mẫu Sơn có đền chính cao khoảng 30m và có 2 hầm mộ khác nằm ở bên trái và bên phải đền chính.
Hầm mộ thứ nhất được xây theo cấu trúc và quy mô lớn. Bên ngoài có mái vòm che mà theo các nhà khảo cổ học nhận định là cấu trúc trong quan ngoài quách. Mộ được xếp thành từ những khối đá lớn có kích thước trung bình dài khoảng 2.8m, rộng 1m, cao 0.5m.
Hầm mộ thứ 2 có quy mô bé hơn hầm mộ thứ nhất và được dựng theo kiểu trác thạch. Đây là kiểu dựng hai tảng đá ở hai bên và ở trên đậy một phiến đá.
Ảnh: Du lịch Mẫu Sơn
Các phiến đá có dấu vết đục đẽo tinh xảo
Theo các nhà nghiên cứu, cấu trúc hầm mộ ở đây có điểm tương đồng với cấu trúc mộ đá ở Tiên Sơn (Bắc Ninh); Đồng Đổ, Đức Phổ (Quảng Ngãi); Vũ Xá (Lục Nam, Bắc Giang);… Tuy nhiên, theo quan sát, những đường đục đẽo trên những phiến đá tại Mẫu Sơn có phần tinh xảo, sắc cạnh và mộng khít hơn. Cũng tại linh địa cổ Mẫu Sơn, người ta cũng tìm thấy các dấu vết của bãi chế tác nguyên liệu đá hay nơi tế lễ đất trời,…
Ảnh: Du lịch Mẫu Sơn
Rất nhiều nhà khảo cổ học đi tìm lời giải cho niên đại của di tích thánh địa Mẫu Sơn. Nhiều nhà khảo cổ học cho rằng, mộ đá tại linh địa cổ Mẫu Sơn đã có từ thời đại đồ sắt. Và vì thánh địa này tồn tại trên độ cao 1.190m so với mực nước biển, có chăng đây là vùng phân bố của văn minh sông Hồng – mở đầu cho kỷ nguyên dựng nước trong lịch sử dân tộc Việt Nam?
Năm 2013, thánh địa Mẫu Sơn được xếp hạng vào di tích cấp quốc gia. Nơi đây là một di tích tín ngưỡng, tôn giáo cực linh thiêng, là biểu tượng của sức mạnh văn hóa và thể hiện đời sống tinh thần phong phú của người Tày cổ Lạng Sơn.
Thánh địa Mẫu Sơn là địa điểm du lịch tâm linh vô cùng hấp dẫn. Đối với những bạn yêu thích khám phá, yêu những cuộc leo núi, băng rừng thì nhất định phải đến thánh địa Mẫu Sơn. Bởi đến với nơi đây, bạn sẽ được tận hưởng cảm giác chinh phục không khác gì một chuyến trekking chuyên nghiệp cả.
Xem thêm: