“Lịm tim” với hành trình du lịch An Giang mùa nước nổi đẹp nao lòng
Nhắc tới du lịch An Giang, người ta nghĩ ngay tới miền Tây sông nước mộc mạc, giản dị. Bên cạnh vẻ đẹp nguyên sơ của thiên nhiên, nơi đây còn là một vùng đất với nền văn hóa đa dạng. Để hiểu thêm về mảnh đất xinh đẹp này, hãy cùng Halotravel theo chân bạn Hoàng Phương với lịch trình du lịch An Giang trọn vẹn 5N4Đ nhé!
Ảnh: Hoàng Phương
1. Giới thiệu về An Giang
Hi mọi người!! Mình là Thỏ. Và sau đây mình sẽ kể cho các bạn nghe những điều thú vị của miền Tây sông nước và vùng đất An Giang xinh đẹp như thế nào.
An Giang là cái tên chẳng còn xa lạ với người dân miền Tây sông nước. Hễ nhắc tới An Giang, người ta lại nhớ ngay đến xứ sở cây thốt nốt và cánh đồng lúa bạt ngàn, thẳng cánh cò bay.
@yenchinguyen
An Giang giáp ranh với Campuchia nên ở đây có sự giao lưu văn hóa đặc sắc. Ở đây có nền văn hóa Chăm – Khmer độc đáo. Vì là nơi đồng bào người Chăm & Khmer sinh sống nên chẳng lạ gì khi bạn bắt gặp những ngôi nhà sàn, hay người dân mặc đồ thổ cẩm, quấn khăn với màu sắc rực rỡ bắt mắt đi ngoài đường.
2. Nên du lịch An Giang vào mùa nào?
An giang có lẽ đẹp nhất vào mùa nước nổi. Người miền Tây có câu: “Sáu tháng đạp đất đồng khô, nửa năm đi trên mặt nước”. Cứ mỗi độ tháng 8 đến tháng 11 âm lịch, An Giang lại chìm trong biển nước mênh mông. Nếu bạn đi du lịch vào mùa này sẽ cảm nhận rõ nét cuộc sống của người dân miền sông nước Nam Bộ.
Ảnh: Hoàng Phương
Tới An Giang vào tháng 4 hay cuối tháng 8 âm lịch, bạn còn được hòa mình vào hai lễ hội lớn nhất nơi đây. Đó là lễ hội bà chúa Xứ núi Sam (23/4 – 27/4) và lễ hội đua bò diễn ra vào cuối tháng 8. Đây là hai lễ hội mang đậm nét văn hóa đặc sắc của vùng Bảy Núi.
“Tri Tôn, Châu Đốc rất gần
Thương anh em nhớ, em lần xuống thăm.”
3. Phương tiện du lịch An Giang
Từ Sài Gòn – An Giang
An Giang cách TP.HCM khoảng 245km. Từ TP.HCM, bạn có thể đi đến đây bằng nhiều phương tiện khác nhau. Với những bạn ở miền Bắc, có thể đặt vé máy bay đến TP.HCM và di chuyển theo lộ trình dưới đây.
Xe khách
Các bạn ghé bến xe miền Tây mua vé về Long Xuyên hay Châu Đốc. Đây là 2 thành phố trực thuộc An Giang. Mọi người có thể tham khảo xe của Phương Trang, Hùng Cường.. với giá vé 150.000 – 300.000đ/người. Thời gian di chuyển mất tầm 6 tiếng nhé.
Ô tô hay xe máy
Từ TP.HCM đi theo quốc lộ 1A hướng về Tiền Giang, qua cầu Mỹ Thuận theo Quốc Lộ 80 để đi Sa Đéc, tiếp tục qua phà Vàm Cống đến thành phố Long Xuyên. Tụi mình đi xe máy tự túc. Mất hơn 6 tiếng mới tới được Châu Đốc.
Ảnh: Hoàng Phương
Hoặc bạn có thể đi cung đường khám phá vùng ven biên giới. Đi theo Quốc Lộ 62 hướng cửa khẩu Bình Hiệp. Tiếp tục đi theo đường sát biên giới hướng Hồng Ngự – Tân Châu là sẽ đến Châu Đốc.
Tại An Giang
Đến An Giang, bạn có thể thuê xe máy để đi khám phá xung quanh. Có khá nhiều nơi cho thuê như các cơ sở lưu trú hoặc nơi bạn ở đều có nha.
- Mức giá: 150.000 – 200.000đ/ ngày.
Ngoài taxi, xe buýt hay xe ôm thì xe lôi là một phương tiện phổ biến ở Châu Đốc. Cũng như xích lô ở Sài Gòn, với 2.000đ/km là bạn đã có một tour vòng quanh thành phố rồi.
4. An Giang mình ở đâu?
Bạn có thể lựa chọn điểm đến là Long Xuyên hay Châu Đốc, rồi từ đó lên lịch trình thăm quan những điểm lân cận. Mình chọn ghé ở Châu Đốc đầu tiên. Tụi mình book khách sạn bên cầu Cồn Tiên trên trang Booking.com.
Khách sạn Cẩm Nang nằm trong khu đô thị Cồn Tiên. Không gian quanh đây khá yên tĩnh và cách chợ 2km. Tụi mình book 1 phòng kế ban công, có cửa kính lớn có view nhìn ra ngoài. Phòng đơn và đôi có giá khoảng 250k – 300k. Theo mình thì giá này khá là tốt cho view ở đây.
Hoặc các bạn có thể tham khảo thêm những khách sạn hoặc nhà nghỉ khác nhé. Nhớ lưu ý là đừng thuê gần núi quá. Bởi vì gần quá dễ mất sóng điện thoại nhé.
- Địa chỉ: Số nhà 28, Đường số 4, Khu đô thị Cồn Tiên, Châu Đốc.
5. An Giang mình ăn gì đây?
Một số món ăn và đặc sản An Giang các bạn có thể thử khi du lịch An Giang nè. Về món biển thì An Giang có món bún cá, bánh canh tép Núi Sập, bánh canh và bánh cam. Đặc biệt, tại đây còn có ếch nước kiểu Campuchia độc đáo. Đặc sản An Giang thì không thể bỏ quên thốt nốt rồi. Là xứ sở của cây thốt nốt, An Giang có các món bánh bò thốt nốt và thốt nốt sữa siêu ngon. Ngoài ra, ở đây còn có đặc sản bánh tầm bì nữa.
Ảnh: Hoàng Phương
Tại mỗi vùng ở An Giang lại có đặc sản nhất định phải thử riêng. Ví dụ như núi Sam có bò bảy món. Châu Phong có tung lò mò. Châu Đốc có Mắm Châu Đốc. Tới Long Xuyên nhất định phải ăn cơm tấm. Ghé Ô Thum thì có gà đốt. Qua Kiều Thu có lẩu trâu ngon tuyệt cú mèo.
6. Lịch trình chi tiết du lịch An Giang 5N4Đ
Các bạn có thể kham thảo lịch trình dưới đây của mình trong 5 ngày 4 đêm nha. Chi phí chuyến đi là khoảng 1.500.000đ/người. Các bạn cũng có thể thêm hoặc bớt các địa điểm theo ý mình nha.
Ngày 1: Sài Gòn – An Giang
Ngày đầu tiên, 5h30 sáng, tụi mình bắt đầu xuất phát từ Sài Gòn tới An Giang. Tới chừng 12h trưa thì đặt chân tới Châu Đốc. Tại đây, tụi mình check-in khách sạn và nghỉ ăn trưa.
Ảnh: Hoàng Phương
Sau đó, tụi mình di chuyển từ núi Sam đến chùa Bà và cáp treo núi Sam. Giá vé tham quan là 40.000đ/người. Tụi mình tiếp tục hành trình và dừng chân tại Làng Chăm và nhà thờ Jamiul. Cuối cùng là đi Chùa Lầu – chợ Tịnh Biên.
Ngày 2
Ngày 2, tụi mình ghé chùa Xvay-ton. Sau đó tới Hồ Tà Pạ. Từ Hồ Tà Pạ tụi mình đi vãn cảnh chùa Tà Pạ luôn. Địa điểm tiếp theo là Hồ Soài Chek. Cuối cùng bọn mình gọi xe ôm đi Hồ Soài So – Núi Cô Tô – Dồ Hội Nhỏ. Giá xe ôm khứ hồi là 70k/người.
Ảnh: Hoàng Phương
Ngày 3
Các địa điểm tụi mình đặt chân tới vào ngày 3 là Rừng tràm Trà Sư, Núi Cấm, Thốt nốt trái tim. Sau đó tụi mình ghé, Hồ Ô Thum và ăn gà đốt Ô Thum. Giá một con là 295k. Kế tiếp tụi mình di chuyển tới Đồi Tức Dụp, Cổng chùa Koh Kas và cuối cùng là Hồ Ô Tà Sóc.
Ảnh: Hoàng Phương
Giá vé các địa điểm để mọi người tham khảo nhé:
- Rừng tràm Trà Sư: 130.000đ/người
- Cầu tình yêu: 15.000đ/người
- Cáp treo Núi Cấm: 180.000đ/người
- Đồi Tức Dụp: 30.000đ/người
Ngày 4: Long Xuyên – Núi Sập
Sau khi tham quan những điểm gần trung tâm như chùa Huỳnh Đạo, chùa Hang… Bọn mình về Long Xuyên. Tầm 15h, bọn mình di chuyển tới Khu du lịch Núi Sập.
- Giá vé: 20k/người
Ảnh: Hoàng Phương
Ngày 5: Chợ nổi – Cà phê Lang Thang
Tới ngày 5, tụi mình đi Chợ nổi. Giá thuê ghe ở Chợ nổi là 200.000đ nhé. Nếu không thích bạn có thể đi cánh đồng hoa dừa cạn Phú Tân nha. Sau đó tụi mình ghé quán Cà phê Lang thang An Giang. Giá đồ uống tại quán vào tầm 30.000đ/người.
Ảnh: Hoàng Phương
Chơi xong, tầm 12h, tụi mình bắt đầu xuất phát quay về Sài Gòn.
7. Chi phí cả lịch trình du lịch An Giang
Tổng thiệt hại cho 2 người:
- Tiền phòng cho 4 đêm: 900.000đ
- Tiền xăng xe: 250.0000đ
- Tiền ăn uống: 1.100.000đ
- Tiền tham quan: 1.103.000đ
Tổng cộng: Khoảng 3.353.000đ – Chia đôi thì hơn 1.500.000đ/người
Lưu ý: Đường ở Tri Tôn buổi tối khá vắng, tối và xấu. Các bạn nên sắp xếp để về trong buổi chiều để tránh trường hợp xấu nhé.
Ảnh: Hoàng Phương
Cảm ơn lịch trình khám phá An Giang cực kỳ chi tiết và có tâm của bạn Hoàng Phương nha. Halotravel chúc bạn có thêm thật nhiều chuyến đi thú vị và tiếp tục chia sẻ với tụi mình nhé.
Dân mê xê dịch đọc xong có thấy muốn tức tốc tới An Giang một chuyến không nè? Mùa này đang đúng mùa nước nổi, tới du lịch An Giang và hòa mình vào cuộc sống của người dân miền Tây nơi đây thì thú vị và đáng nhớ phải biết. Còn chần chừ gì nữa mà không xách balo lên cùng Halotravel “tốc biến” tới An Giang xinh đẹp thôi nào!
Tìm hiểu thêm về du lịch An Giang: Vách đá sống ảo An Giang khiến dân mê xê dịch phải “ngả mũ” vì quá đẹp