Kinh nghiệm đi làng hương Thủy Xuân ở Huế ‘sống ảo’ triệu like
Huế có vô vàn những địa điểm du lịch, tham quan nổi tiếng để bạn ghé thăm. Bên cạnh những lăng tẩm, khu Đại Nội thì dạo gần đây, các bạn trẻ thường xuyên ghé tới làng hương Thủy Xuân để tham quan cũng như sống ảo. Đây cũng chính là tọa độ thần thánh cho ra đời những bức hình sống ảo triệu like. Nếu bạn chưa biết làng hương Thủy Xuân ở đâu thì hãy ‘bỏ túi’ những kinh nghiệm dưới đây nhé!
Nội dung chính
1. Định vị tọa độ làng hương Thủy Xuân
Làng hương Thủy Xuân được biết đến là làng hương lớn nhất ở Huế hiện nay. Làng hương nổi tiếng này tọa lạc trên đường Huyền Trân Công Chúa. Tuy cách khu trung tâm thành phố khoảng chừng 7-8km thế nhưng nơi đây lại rất thuận tiện để bạn có thể kết hợp ghé tới 2 địa điểm du lịch ở gần đó là lăng Tự Đức và đồi Vọng Cảnh.
Ảnh: @ynhi.1209
Ngôi làng nổi tiếng này nằm ở ngay dưới chân đồi Vọng Cảnh và bên cạnh là dòng sông Hương thơ mộng. Người dân Huế có câu “Huế không những đẹp mà còn thơm” có lẽ chính là để nói đến địa điểm nổi tiếng này. Ngay từ khi đặt chân đến đầu đường Huyền Trân Công Chúa bạn sẽ bắt gặp những ngôi nhà bày biện hương với đủ các loại màu sắc và hương thơm ngào ngạt rồi đó.
Ảnh: @momotrann
2. Hướng dẫn đường đi đến làng hương Thủy Xuân
Vì cách trung tâm thành phố khoảng chừng 7-8km nên bạn có thể dễ dàng tới đây một cách dễ dàng. Dưới đây, HaloTravel sẽ hướng dẫn đường đi chi tiết từ khu vực trung tâm để bạn tham khảo.
Xuất phát từ Đại Nội kinh thành Huế, bạn di chuyển theo hướng đường Đoàn Thị Điểm đến cầu Phú Xuân rồi tiếp tục đi thẳng theo hướng đường Điện Biên Phủ đến Ngô Cát. Từ đường Ngô Cát đi thêm khoảng 2,5km sẽ đến đường Huyền Trân Công Chúa. Từ đây bạn sẽ thấy ở dọc hai bên đường có những cửa hàng bán hương. Đây chính là đường vào làng hương Thủy Xuân nổi tiếng cố đô Huế đó.
- Xem hướng dẫn đường đi chi tiết tại đây
3. Nên đi làng hương thời điểm nào hợp lý?
Theo như kinh nghiệm từ “thổ địa” chia sẻ, bạn có thể ghé tới đây vào bất kì thời điểm nào trong năm. Tuy nhiên, lý tưởng nhất chính là vào mùa hè (từ tháng 3 đến tháng 8 hàng năm). Bởi đây là thời điểm mùa khô, có nắng nóng nên người dân làng thường đem hương ra ngoài phơi khô. Do đó, khung cảnh làng hương càng trở nên đẹp và nhiều màu sắc rực rỡ hơn. Ngoài ra, vào dịp Tết Nguyên Đán do có nhiều người tìm đến để mua hương nên khung cảnh tại đây cũng trở nên sầm uất hơn thường ngày.
Ảnh: @cuongkhii
Ngược lại, vào mùa mưa (từ tháng 10 đến tháng 1) do có nhưng cơn mưa bất chợt xuất hiện nên người dân thường hạn chế việc phơi hương ở ngoài trời. Nếu không may mắn đi vào đúng dịp trời mưa bạn sẽ không có những bức hình sống ảo đâu nhé.
Ảnh: @druxy.aries
Xem thêm:
4. Làng Hương ở Huế có gì đặc biệt?
Tìm hiểu nét văn hóa của làng hương lớn nhất ở Huế
Đến với làng hương Thủy Xuân bạn sẽ được tìm hiểu và tận mắt chứng kiến những công đoạn làm hương. Tưởng chừng là một việc làm hết sức đơn giản thế nhưng để làm nên những que hương lại trải qua những giai đoạn hết sức kì công đó.
Ảnh: @imhaanhhh
Theo như người dân tại đây chia sẻ, làng hương ở Thủy Xuân đã tồn tại cách đây hàng trăm năm dưới triều đại nhà Nguyễn. Xưa kia, đây chính là nơi cung cấp hương cho triều đình, quan lại và nhân dân trong vùng. Chính vì vậy mà hương tại Thủy Xuân thường có nhiều màu sắc khác nhau vô cùng nổi bật như vàng, đỏ, xanh,… và hương thơm ngào ngạt khó quên.
Ảnh: @bing29496
Nếu có dịp đến đây vào mùa hè bạn sẽ được mãn nhãn với những hàng hàng lớp lớp các bó hương với đủ màu sắc khác nhau được phơi khô ở ngoài đường. Đặc biệt, vào những ngày nắng, các cơ sở sản xuất sẽ phơi tăm hương dọc cả tuyến phố, và cũng là thời điểm lý tưởng mà nhiều du khách, nhất là các bạn trẻ ghé đến để sống ảo.
- Xem thêm: Tham quan Cồn Hến yên bình của xứ Huế
Trải nghiệm quá trình làm hương thủ công
Không chỉ được tìm hiểu nét văn hóa của làng Thủy Xuân, tới đây bạn còn được chính tay trải nghiệm làm ra những que hương thủ công nữa đó.
Trước hết, người dân sẽ lựa chọn những nguyên liệu để làm hương. Để hương thơm nhất, nguyên liệu thường được tuyển chọn từ ngũ vị thuốc bắc cùng với thảo quả, quế chi, đinh hương, hồi hay nụ tùng… Ngoài ra, một số cơ sở còn cho thêm cả quế, bạch đàn hay vỏ bưởi, hoa bưởi khô để tạo hương thơm đặc sắc hơn.
Ảnh: @lilinhly
Sau khi đã nhào bột hương, bước tiếp theo chính là làm lõi hương. Phần lõi này được người dân làm từ ruột tre sau đó đem chẻ nhỏ, phơi nắng trong nhiều ngày giúp que hương khô và cứng cáp hơn. Đặc biệt so với những làng hương khác, ở làng hương Thủy Xuân người dân vẫn làm hương theo kiểu thủ công. Những người thợ lâu năm trong nghề sẽ se hương bằng tay nhanh thoăn thoắt. Những que hương “đạt tiêu chuẩn” thường có độ mỏng vừa đủ, tròn sau đó đem phơi khô dưới nắng.
Tới Huế, nhất định bạn hãy dành thời gian để đến làng Hương Thủy Xuân tìm hiểu cũng như tranh thủ “sống ảo” cho ra đời những bức hình sống ảo đẹp ngất ngây nhé. Hy vọng rằng, với những chia sẻ của HaloTravel sẽ giúp bạn có một chuyến đi với nhiều trải nghiệm đáng nhớ. Đừng quên tham khảo thêm những kinh nghiệm du lịch Huế bổ ích khác nhé!
Xem thêm những địa điểm du lịch ở Huế: