Khám phá di tích thành Cổ Loa A-Z cho team đi lần đầu

Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến vốn nổi tiếng với những địa điểm tham quan du lịch giàu tính lịch sử và có ý nghĩa. Một trong số đó chắc chắn không thể không nhắc đến cái tên thành Cổ Loa – nơi gắn liền với truyền thuyết Mị Châu – Trọng Thủy và vua An Dương Vương. Cho đến ngày nay, khu di tích thành Cổ Loa vẫn trường tồn theo thời gian. Cùng HaloTravel khám phá điểm đến này nhé!

1. Đôi nét về thành Cổ Loa

Thành Cổ Loa ở đâu?

Thành Cổ Loa sở hữu diện tích rộng lớn trải dài trên địa phận của 3 xã: Cổ Loa, Việt Hùng, Dục Tú, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội. Từ trung tâm thủ đô, để đến thành Cổ Loa bạn sẽ phải di chuyển với quãng đường khoảng chừng 24km.

thanh co loa

Ảnh: sưu tầm

Thành Cổ Loa có từ bao giờ?

Thành Cổ Loa được xây dựng bởi vị tướng Cao Lỗ. Đây được xem là kinh đô của đất nước Âu Lạc dưới thời vua An Dương Vương từ thế kỉ 3 trước Công Nguyên.

Nơi đây có diện tích lên đến hơn 500ha. Mặc dù trải qua những biến cố thăng trầm trong lịch sử thế nhưng thành Cổ Loa đến ngày nay vẫn còn trường tồn theo thời gian. Tại khu di tích lịch sử này vẫn còn có những công trình kiến trúc tiêu biểu như giếng Ngọc, tượng Cao Lỗ hay am Mị Châu.

2. Hướng dẫn đường đi đến khu di tích thành Cổ Loa

Thành Cổ Loa cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng chừng 24km. Do đó, bạn có thể dễ dàng di chuyển tới đây bằng nhiều phương tiện khác nhau. Đặc biệt, với quãng đường di chuyển khá ngắn nên nơi đây còn thường xuyên được lựa chọn làm điểm đến lý tưởng khi đi du lịch Hà Nội dài ngày đó.

  • Nếu đi bằng xe máy/ ô tô: 

Hướng 1: Từ trung tâm thành phố bạn di chuyển theo hướng cầu Chương Dương. Đi thẳng qua Nguyễn Văn Cừ – Ngô Gia Tự sẽ thấy cầu Đuống. Đi qua Cầu Đuống sẽ đến địa phận Yên Viên. Sau đó bạn rẽ trái vào quốc lộ 3. Từ đây đi thêm khoảng chừng 5km thì sẽ thấy lối rẽ vào thành Cổ Loa.

Hướng 2: Từ trung tâm thành phố bạn di chuyển theo hướng qua cầu Nhật Tân. Đi hết cầu thì rẽ xuống đường 5 kéo dài. Khi nào tới ngã 3 thì rẽ ra quốc lộ 3. Từ đây tiếp tục đi theo hướng dẫn bên trên để vào khu di tích thành Cổ Loa.

Xem đường đi chi tiết tại đây

  • Nếu đi bằng xe bus: 

Để tiết kiệm chi phí, từ thành phố Hà Nội bạn có thể dễ dàng bắt các xe bus để đến Cổ Loa, Đông Anh. Nếu ở khu vực Cầu Giấy, Mỹ Đình thì bắt xe bus số 46. Nếu ở gần công viên Thống Nhất thì bắt xe 43. Còn những ai ở khu vực Long Biên có thể bắt xe 15 và 17. Ngoài ra, ở khu vực trường Học Viện Nông Nghiệp có thể bắt xe 59.

3. Nên đi thành Cổ Loa thời điểm nào? 

Nếu bạn muốn chứng kiến và tìm hiểu văn hóa lễ hội ở Cổ Loa thì hãy tới đây vào ngày mùng 6 tháng Giêng âm lịch. Đây là dịp người dân Cổ Loa tổ chức lễ hội truyền thống để tưởng nhớ những người đã xây thành cũng như ghi ơn công lao của vua An Dương Vương – người đã có công sáng lập nên nhà nước Âu Lạc.

 thanh co loa dong anh

Ảnh: @goitoila_datog

Bên cạnh đó, bạn cũng có thể tới đây vào các ngày mùng 1, mùng 6, 11, 16, 21 và 26 hàng tháng để tham dự buổi chợ phiên tranh thủ tới buổi chợ phiên tại đây nhé.

Có thể bạn quan tâm: Kinh nghiệm du lịch Hà Nội tự túc A-Z

4. Khám phá kiến trúc của khu di tích thành Cổ Loa 

Một trong những điều mà bạn nên tìm hiểu khi ghé tới thành Cổ Loa chính là kiến trúc. Ngay từ khi đặt chân tới cổng chào bạn sẽ thấy đình làng xuất hiện. Đây chính là nơi trưng bày những hiện vật được khai quật được sâu trong lòng đất như trống đồng, bát gốm sứ hay những mũi tên được làm bằng đồng. Sau khi tham quan, bạn hãy tiến sâu hơn vào bên trong để khám phá nhé.

Thanh-Co-Loa-06

Ảnh: sưu tầm

Theo như những người dân làng tại đây chia sẻ, theo tương truyền, thành Cổ Loa có 9 vòng xoáy hình xoắn ốc. Do đó, từ xưa thành còn được biết đến với tên gọi khác là thành Ốc. Tuy nhiên, trải qua hàng nghìn năm, đến nay, thành chỉ còn sót lại với 3 vòng xoắn ốc tương đương với thành nội, thành trung và thành ngoại.

  • Thành nội cũng chính là thành rộng lớn nhất tại đây. Nơi đây có diện tích lên tới 2,2km2 và là nơi ở của vua An Dương Vương cùng với những cung tần, mỹ nữ, quan lại. Chính vì vậy, từ xa xưa nhân dân đã lập đền thờ tự vua và quy tụ những công trình kiến trúc giàu ý nghĩa lịch sử.
  • Thành ngoại là thành ở vòng xoắn ốc ngoài cùng. Nơi đây có chu vi khoảng chừng 8km. Vì là thành ở ngoài cùng nên việc xây dựng cũng rất chắc chắn để đảm bảo tính kiên cố. Thành ngoại được xây dựng bằng cách đào đất đến đâu sẽ tiến hành khoét hào tới đó rồi xây lũy thành liền kề. Các lũy thường cao khoảng 4-5m, có những chỗ quan trọng thậm chí còn cao từ 8 đến 12m.
  • Thành trung là thành nằm ở giữa. Thành có chu vi khoảng chừng 6.5km và cũng được xây dựng giống như thành ngoại. Tuy thành trung hẹp hơn nhưng vẫn đảm bảo tính kiên cố và vững chãi.

4. Các địa điểm tham quan ở di tích thành Cổ Loa 

Đến với thành Cổ Loa bạn nhất định hãy khám phá những địa điểm du lịch nổi tiếng lâu đời dưới đây nhé:

Cầu duyên ở am Mị Châu

Từ phía cổng chào, nhìn sang bên trái bạn sẽ thấy am Mị Châu. Không chỉ với riêng người dân địa phương mà còn rất nhiều người từ nơi khác ghé đến để cầu duyên. Sau khi Mị Châu bị vua cha giết, nàng đã hóa thành 1 hòn đá trôi về bãi Đường Cấm, Đông Anh. Người dân thấy vậy liền đem võng ra để vác. Thế nhưng khi đang đi thì thấy hòn đá rơi xuống. Thấy vậy liền lập am thờ Mị Châu ở ngay nơi mà hòn đá đó rơi xuống.

am mi chau

Ảnh: sưu tầm

Bên trong am có một bức tượng người không đầu. Lý giải về điều này, những người dân chia sẻ rằng thời xưa tại đây tìm thấy một viên đá hình người không có đầu nên mang về thờ. Và điều kì bí chính là càng thờ thì bức tượng đó càng to lớn như bây giờ.

Đền thờ An Dương Vương

Đền thờ vua An Dương Vương được đặt ở bên trong thành trong. Nơi đây còn được nhiều người dân địa phương biết đến với tên gọi khác là đền Thượng. Mặc dù đã trải qua rất nhiều biến cố thế nhưng đền thờ vua An Dương Vương vẫn sở hữu nền kiến trúc vô cùng đặc biệt.

Thanh-Co-Loa-04

Ảnh: sưu tầm

Đền được xây dựng ở trên gò đất hình đầu rồng. Nếu đứng ở phía ngoài nhìn vào bạn sẽ thấy hai bên được bao bọc bởi cánh rừng ngập tràn cây xanh. Phía trước có 2 ao nhỏ vốn được gọi là mắt rồng. Bên trong khuôn viên của thờ còn có khu giếng Ngọc. Đây là nơi gắn liền với câu chuyện tình yêu của Mị Châu và Trọng Thủy nổi tiếng.

Đền thờ tướng Cao Lỗ 

Bên cạnh am Mị Châu hay đền thờ An Dương Vương thì tại khu di tích Cổ Loa còn có thêm một ngồi đền linh thiêng không kém khác để bạn ghé tới. Đó chính là đền thờ tướng Cao Lỗ. Có thể nhiều người chưa biết nhưng Cao Lỗ là một vị tướng dưới thời vua An Dương Vương. Và ông cũng chính là người đã sáng tạo ra nỏ Liên Châu. Đây là một loại nỏ có thể bắn cùng một lúc rất nhiều mũi tên. Đặc biệt, vị tướng Cao Lỗ này cũng là người cho xây dựng thành Cổ Loa uy nghi.

Thanh-Co-Loa-16

Ảnh: sưu tầm

Ở ngay phía ngoài đền bạn sẽ bắt gặp bức tượng nhỏ của vị tướng Cao Lỗ đang bắn cung tên được đặt ở ngay giữa hồ. Đặc biệt, bên trong đền còn là nơi trưng bày những chiếc nỏ được các nhà khảo cổ học khai quật được đó.

Nhà trưng bày cổ vật Cổ Loa

Ngoài các địa điểm tâm linh và di tích lịch sử, thành Cổ Loa còn có một khu trưng bày cổ vật để cho khách đến tham quan. Nhà trưng bày này nằm ngay đối diện với đền thờ Cao Lỗ. Đây là nơi lưu giữ các hiện vật khảo cổ quý giá được tìm thấy ở Cổ Loa. Các hiện vật này góp phần tái hiện lại cuộc sống và nét văn hóa của người Việt dưới thời đại An Dương Vương.

Thanh-Co-Loa-18

Ảnh: sưu tầm

Trên đây là tổng hợp “tất tần tật” những kinh nghiệm đi khu di tích thành Cổ Loa. Hy vọng với những thông tin mà HaloTravel cung cấp sẽ mang đến cho bạn nhiều trải nghiệm tuyệt vời nhất. Bạn hãy ghé tới đây để tìm hiểu về truyền thống lịch sử cũng như tìm được cho mình một nơi binh yên nhé!

Xem thêm các địa điểm du lịch ở Hà Nội: 

Rate this post

Vân Bình

Mỗi chuyến đi sẽ mang đến cho bạn những trải nghiệm thú vị. Hãy cùng đồng hành cùng chúng mình để khám phá những điểm đến hấp dẫn, những quán ăn ngon hay các điểm checkin hot nhé!

Bài viết liên quan

Back to top button