Ghé thăm Chùa Phổ Minh: điểm du lịch tâm linh ở Nam Định – HaloTravel
Là quê hương của các đời vua nhà Trần, tỉnh Nam Định nổi tiếng với những ngôi đền, chùa, miếu linh thiêng, cổ kính. Trong số đó nổi bật là di tích Chùa Phổ Minh. Hãy cùng Halo Travel ghé thăm và khám phá vẻ đẹp ngôi chùa lưu giữ nhiều dấu ấn lịch sử này nhé!
Nội dung chính
1. Chùa Phổ Minh ở đâu?
- Địa điểm: thôn Tức Mặc, xã Lộc Vượng, tỉnh Nam Định
- Giờ chùa mở cửa: 6h – 18h
Phổ Minh Tự nằm cách thành phố Nam Định khoảng 5km về phía Bắc và cách Hà Nội khoảng 90km. Chùa Phổ Minh hay còn gọi là chùa tháp Phổ Minh tọa lạc tại thôn Tức Mặc, xã Lộc Vượng, tỉnh Nam Định. Đây là một ngôi chùa cổ, lưu giữ những chiến tích lịch sử hào hùng thời kì dựng nước, giữ nước của ông cha ta cùng những vết tích vàng son quý giá.
Ảnh: Sưu tầm
Để di chuyển tới chùa, du khách có thể chọn đi xe khách hoặc tự túc bằng xe máy. Nếu đi xe khách, bạn xuất phát tại bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát hoặc bến xe Gia Lâm chiều đi Nam Định với giá khoảng 100.000 VND/ lượt. Ngược lại, nếu phượt bằng xe máy, bạn tới Thành phố Nam Định, sau đó từ quốc lộ 10 đoạn Nam Định đi Thái Bình thì đi tiếp 2km sẽ tới chùa Phổ Minh.
- Xem chi tiết đường đi từ Hà Nội đến chùa Phổ Minh tại đây
2. Tìm hiểu lịch sử Chùa Phổ Minh Nam Định
Theo lịch sử ghi lại, Chùa Phổ Minh được xây từ thời Lý. Đến năm 1262, dưới thời nhà Trần, chùa đã được trùng tu lại và mở rộng quy mô. Chính vì thế, ngôi chùa mang nhiều dấu tích cùng những nét kiến trúc đặc trưng của thời Trần.
Không dừng lại ở đó, đến khoảng năm 1533 – 1592, công chúa Mạc Ngọc Lâm đã cho trùng tu lại ngôi chùa. Kể từ đó, tuy trải qua nhiều lần sửa chữa thế nhưng chùa Phổ Minh vẫn giữ được dáng vẻ và sự bề thế theo lối kiến trúc “nội công, ngoại quốc”.
Ảnh: Sưu tầm
Đặc biệt, vào năm 2012, chùa được công nhận là di tích Quốc gia. Một thông tin khá thú vị khác chính là hình ảnh chùa cũng từng xuất hiện trên mặt sau của tờ 100 đồng. Trải qua hàng trăm năm lịch sử, Chùa Phổ Minh chính là minh chứng hiên ngang, lừng lẫy cho một thời kỳ Hào khí Đông A, một trang sử vẻ vang của dân tộc.
3. Kiến trúc Chùa Phổ Minh Nam Định có gì độc đáo?
Có thể nói, Chùa Phổ Minh là công trình kiến trúc độc đáo và giàu nghệ thuật “sừng sừng” giữa mảnh đất Thành Nam. Cách thiết kế, bài trí trong chùa ghi dấu sự kết hợp của ba tôn giáo Nho – Phật – Lão, thể hiện rõ tư tưởng tam giáo đồng nguyên.
Tháp Phổ Minh – tòa tháp cổ kính với hơn 700 năm tuổi
Tháp Phổ Minh là một công trình kiến trúc làm từ gạch và đá được xây dựng vào năm 1308. Trong quá trình xây dựng, tháp đã được vua Trần Anh Tông đặt 7 trong số 21 hạt xá lộ lên trên đỉnh. Xung quanh tháp đều được xây tường bao quanh, chính giữa các tường là 4 cửa để ra vào tháp. Ở mỗi điểm trụ đều có đèn lồng, trước cửa có các đôi rồng đá.
Ảnh: Sưu tầm
Tháp Phổ Minh sở hữu độ cao lên đến 20m bao gồm 14 tầng. Hai tầng dưới làm từ đá, được chạm khắc họa tiết sóng nước, hoa lá và vân mây đặc trưng của thời Trần. Các tầng trên của được xây bằng gạch khắc chữ “Hưng – Long tam niên” cùng họa tiết hình con rồng nổi.
Ảnh: Sưu tầm
Dù không phải tòa tháp quá cao lớn, nhưng nhờ thiết kế bề ngang hẹp, Tháp Phổ Minh mang một dáng vẻ thanh mảnh nhưng đầy vững chãi. Không những thế, nét độc đáo của tòa tháp còn ở phần mái được xây ở mỗi tầng. Những gờ mái cong nhẹ mang tới sự choáng ngợp, thu hút khi đứng từ dưới nhìn lên.
Trên đỉnh tháp Phổ Minh là đài búp sen được đặt trên một khối đất nung. Đài búp gồm 5 lớp cánh chụm lại với nhau, luôn hướng lên nền trời xanh thẳm như thể hiện ý chí hiên ngang, bất khuất, mang trọn vẹn hào khí người Việt Nam.
Khu Tam Quan
Tam Quan dẫn vào Chùa Phổ Minh có kết cấu 3 gian, làm từ tường gạch và khung gỗ. Khung kiến trúc kết cấu kiểu cổ đẳng (2 tầng 4 mái). Mặt ngoài là những bức hoành phi đề 4 chữ “Đại hùng bảo điện” (Điện báu Đại Hùng). Phần bậc thềm được bó thành đá xanh khối hình chữ nhật. Đặc biệt, phần bậc ở gian giữa được đặt đôi sóc đá dạng tượng tròn, chạy dọc từ trên xuống. Hai bên cổng được thiết kế 2 hồ sen nằm đối xứng nhau.
Ảnh: Sưu tầm
Sân chùa và nhà bia
Qua cổng Tam Quan và ao sen là khu sân chùa với hai nhà bia xây theo kiến trúc 2 tầng 8 mái, nằm đối diện nhau. Nhà bia rộng 4 mét, xây trên mặt bằng hình vuông. Bia phía bên trái khắc chữ Duy Tân 1 (1907), bia bên phải khắc niên hiệu Cảnh Trị 6 (1668). Ngoài ra, sân chùa còn là nơi hội tụ đa dạng các công trình kiến trúc như tháp, cột kinh, chân đá tảng cánh sen hay cây hương đá mang phong cách nghệ thuật thời Trần.
Chùa chính
Khu chùa chính có mặt bằng hình chữ “công”, gồm các hạng mục: tiền đường, thiêu hương và thượng điện.
Khu vực tiền đường của chùa Phổ Minh bao gồm 9 gian, với bộ cửa gian gỗ 4 cánh làm bằng gỗ lim. Phía trên được chạm khắc hình sóng nước và hoa lá tinh xảo. Đặc biệt nhất là hai cánh ở giữa được chạm đôi rồng lớn chầu Mặt Trời trong khuôn hình lá đề.
Ảnh: Sưu tầm
Thiêu hương gồm 3 gian, được xây quay dọc, giao mái với phần tiền đường, tạo thành mặt bằng kiến trúc kiểu chữ Đinh. Thượng điện gồm 3 gian có kích cỡ 12,8m x 8,5m. Tất cả các cột được gia công theo kiểu thượng thu hạ thách và được kê trên hệ thống chân tảng đá chạm hoa văn hình cánh sen.
Ảnh: Sưu tầm
Ngoài ra, phần phía sau thượng điện được xây dựng ngôi nhà dài 11 gian, trong đó 5 gian nhà tổ ở giữa, bên trái là 3 gian nhà tăng, bên phải là 3 gian điện thờ. Khu vực này nối với tiền đường bởi 2 dãy hành lang dài, tạo thành một khung vuông bao quanh kiến trúc chùa Phổ Minh.
Khu Hậu điện
Hậu điện là nơi thờ Trúc Lâm Tam Tổ (tổ tiên của thiền phái Trúc Lâm). Phần chính giữa là tượng vua Trần Nhân Tông viên tịch theo kiểu nằm, được đánh giá là tác phẩm có giá trị và ý nghĩa cả về mặt mỹ thuật, sử học và tư tưởng. Bên phải là tượng tổ Pháp Loa, bên trái là tượng Huyền Quang.
Ngoài ra, nằm rải rác trong các khu vực của Phổ Minh Tự còn có 96 chân đá tảng cổ, khu vực phủ mẫu, khu tháp mộ….
4. Một số lưu ý khi viếng thăm Chùa Phổ Minh
Là một địa điểm tâm linh nổi tiếng tại Nam Định, Chùa Phổ Minh thu hút hàng trăm lượt du khách viếng thăm mỗi năm. Để chuyến tham quan thêm phần trang nghiêm và ý nghĩa, bạn nên lưu ý một số thông tin dưới đây:
- Mặc trang phục lịch sự, kín đáo khi tới chùa.
- Đi nhẹ, nói khẽ, tránh làm ồn và không sờ vào hiện vật trong chùa.
- Khi muốn chụp hình cần hỏi kỹ, không chụp ảnh tại những khu vực cấm.
- Khi sắm lễ chỉ cần thành tâm. Bạn có thể dâng hương án Phật hương hoa, xôi chè, oản, trầu cau, trái cây hoặc đồ chay đều được.
Bên cạnh Đền Trần, chùa Phổ Minh Nam Định cũng là điểm tham quan tâm linh hấp dẫn bạn không nên bỏ qua. Ghé thăm đất Thành Nam, khám phá và thưởng ngoạn cảnh chùa, bạn sẽ thấy tâm hồn mình trở nên nhẹ nhõm và thư thái hơn rất nhiều.
Có thể bạn quan tâm:
- 8 ngôi chùa ở Nam Định linh thiêng nhất định phải ghé