Đến phố cổ Bao Vinh ‘sống ảo’ trong không gian hoài niệm
Con phố Bao Vinh xưa cổ là một trong những địa điểm du lịch đáng đến nhất trên mảnh đất cố đô. Nơi đây có nét an yên, bình lặng, có hơi thở cổ kính và nét đẹp nhuốm màu thời gian. Ngay sau đây, hãy cùng Halo khám phá phố cổ Bao Vinh ngay nhé!
Nội dung chính
1. Phố cổ Bao Vinh tọa lạc ở đâu?
Nằm ở phía Bắc ngoài kinh thành Huế, phố cổ Bao Vinh từng là một thương cảng. Trong suốt 2 thế kỷ (thế kỉ 17 – 19), nơi đây là trung tâm giao lưu trao đổi hàng hóa sầm uất nhất xứ Đàng Trong. Ngày nay, phố cổ Bao Vinh được bảo tồn gần như vẹn nguyên. Và chỉ nằm cách trung tâm thành phố Huế khoảng 3km. Vì vậy, du khách có thể dễ dàng di chuyển đến để tham quan nét cổ kính, cũ kỹ của khu phố cổ vài trăm năm tuổi trên đất Huế thương.
Ảnh: @henry.huynguye
2. Cách di chuyển đến phố cổ Bao Vinh
- Nếu di chuyển bằng đường bộ: Xuất phát từ trung tâm thành phố Huế, bạn đi qua cầu Trường Tiền. Khi đến cuối cầu, rẽ phải vào đường Trần Hưng Đạo. Sau đó rẽ trái sang đường Huỳnh Thúc Kháng. Đi dọc con sông Đông Ba từ đường Huỳnh Thúc Kháng, đi đến hết đường Đào Duy Anh nối dài, bạn sẽ đến được Bao Vinh.
Ảnh: Google Maps
- Nếu di chuyển bằng đường thủy: Du khách có thể ngồi thuyền đi dọc dòng sông Đông Ba. Sau đó lên bờ và đi bộ một đoạn ngắn nữa sẽ đến với phố cổ Bao Vinh.
3. Lịch sử của phố cổ trăm tuổi Bao Vinh
Phố cổ Bao Vinh đã từng là một con phố cảng trong chuỗi cảng thị Thanh Hà – Bao Vinh được hình thành từ khoảng đầu thế kỷ XVII. Có thể nói, đây là nơi giao thương, trao đổi hàng hóa sầm uất nhất của xứ Đàng Trong. Rất nhiều các thương nhân Trung Quốc, Ma Cao, Nhật Bản, Ấn Độ. Thậm chí là vài nước châu Âu khác về đây trao đổi, buôn bán.
Ảnh: @_iamnu
Trước đây, Bao Vinh còn nổi tiếng và được biết đến với các nghề như đóng hòm, cẩn xà cừ, nghề khảm, làm gạch, ngói,… Tuy nhiên, sau khi thực dân Pháp kéo vào xâm lược nước ta, kinh thành Huế thất thủ, Bao Vinh bị tàn phá. Cũng từ đó, các ngành nghề bị mai một dần. Nhưng cho dù thế, người dân nơi đây vẫn cố gắng níu giữ lại một thời vàng son của Bao Vinh. Bằng cách gìn giữ từng mái nhà, từng bậc cửa, khung cảnh Bao Vinh xưa gần như còn trọn vẹn.
Xem thêm: Trọn bộ du lịch Huế 1 ngày khám phá tất tần tật: đi đâu, ăn gì…?
4. Chiêm ngưỡng vẻ đẹp vintage nhuốm màu thời gian của phố cổ
Ngày nay, tuy đã dần phai mờ đi cái hình hài vẹn nguyên của một phố cổ nhưng Bao Vinh vẫn mang trong mình những nét xưa cũ. Những điều hoài niệm khiến người ta không khỏi bồi hồi mỗi lúc ghé qua.
Ảnh: @irl.yolo
Thời gian đã làm xuống cấp nhiều ngôi nhà cổ. Những mái ngói, kèo cột giờ đây lại không ngừng run rẩy trước bão giông. Những ngôi nhà cổ nhỏ bé nằm nép mình dưới vài ngôi nhà cao tầng khang trang ở Bao Vinh – nơi đã từng là địa điểm giao thương sầm uất thuở nào.
Ảnh: @dangchauanhphong
Xuôi mái chèo dọc dòng sông Hương, ngước nhìn lên phố thị Bao Vinh, người ta vẫn còn có thể chiêm ngưỡng được những ngôi nhà thấp lè tè, mái ngói san sát nhuốm màu rêu phong cổ kính. Đẹp nhất là khi hoàng hôn buông xuống. Ánh nắng chiều nhẹ nhàng ôm lấy con phố cổ đang nằm an yên bên dòng sông Hương thơ mộng, Bức tranh nhuộm buồn ấy khiến cho chốn phố cổ của cố đô trở thành một nỗi vấn vương quyến luyến khó tả trong lòng mỗi du khách khi có dịp ghé đến.
Ảnh: @vietdugnguyen
Dẫu thời gian có đổi thay nhưng Bao Vinh luôn biết cách khiến du khách ngất ngây, mê mẩn. Bởi lẽ, ẩn sâu trong từng góc phố và không gian nơi phố cổ Bao Vinh, người ta vẫn thấy phảng phất hơi thở bình yên, lãng mạn đầy mê hoặc.
Xem thêm: Thác Mơ Huế – Yeshue Eco: Địa điểm picnic lý tưởng
5. Những địa điểm tham quan tại phố cổ Bao Vinh
-
Đình làng Bao Vinh
Có dịp ghé qua Bao Vinh chắc chắn bạn không thể bỏ qua ngôi đình làng Bao Vinh cổ kính. Chẳng ai nhớ rõ ngôi đình này được xây dựng năm nào, chỉ biết rằng đình được xây dựng để thờ Ngài khai canh họ Phạm. Đây cũng là nơi sinh hoạt chung của dân làng. Đặc biệt ngày 7 tháng Chạp hàng năm là ngày giỗ của Ngài, người dân lại kéo về đây để dâng bái, cúng lễ.
Ảnh: @henry.huynguyen
Ngôi đình mang đậm kiến trúc phong kiến xưa. Những lớp rêu phong phủ kín, tấm bình phong phai màu, chiếc lư đốt vàng mã cũ kỹ,… Tất cả mang đến cho người ta những hoài niệm sâu sắc về một thời đã qua.
-
Bến đò ngang Bao Vinh
Bến đò ngang – một hình ảnh thân thương gắn liền với phố cổ Bao Vinh đầy hoài niệm. Người ta gọi là bến đò ngang bởi lẽ khách lên đò nơi đây chỉ đi qua lại giữa Bao Vinh với làng Tiên Nộn, làng Sình, làng Phú Mậu hay làng Thanh Tiên ở phía bên kia sông.
Ai đã từng lênh đênh trên chiếc đò ngang Bao Vinh chắc hẳn chỉ muốn rong ruổi mãi với những con nước mà chẳng muốn lên bờ. Ngồi trên con đò, bạn có thể ngắm hết thảy phố cổ Bao Vinh từ mặt sông, ngắm những bờ kè có từ thuở Pháp thuộc và những mái nhà san sát nhau chạy thẳng mãi đến hết con đường.
-
Chợ Bao Vinh Huế
Sẽ thật thiếu sót nếu đến Bao Vinh mà không ghé qua chợ nơi này. Một ngôi chợ quê bình yên, giản dị và thân thương biết mấy. Chợ chẳng có quá nhiều gian hàng như nhiều ngôi chợ mới, cũng không nhiều khách vào ra nhưng lại bày bán mọi thứ trên đời. Đặc biệt, đến với chợ Bao Vinh vào dịp cận Tết, bạn sẽ được chiêm ngưỡng những gian hàng chứa các sản phẩm của các làng nghề truyền thống gần đó như tượng ông Táo của làng Địa Linh hay hoa giấy thờ cúng của làng Thanh Tiên,…
Ảnh: @netdephue
-
Chùa Thiên Giang Tự
Chùa Thiên Giang Tự là một ngôi chùa cổ đã có tuổi đời lên đến 200 năm. Khuôn viên chùa tuy nhỏ nhưng vô cùng sạch sẽ bởi chùa được trông nom bởi một ban hộ tự (gồm các bác lớn tuổi thường đến đây tụng kinh niệm phật).
-
Tiệm Cafe Mắt Biếc
Địa chỉ: số 66 phố cổ Bao Vinh, Hương Vang, Hương Trà, Thừa Thiên Huế
Đến phố cổ Bao Vinh không thể bỏ qua tiệm cafe Mắt Biếc. Tiệm cafe Mắt biếc lấy cảm hứng từ bộ phim điện ảnh Mắt Biếc nổi đình nổi đám trong thời gian qua của đạo diễn Victor Vũ. Tọa lạc tại số 66 phố cổ Bao Vinh, đây là địa điểm checkin được rất đông bạn trẻ lựa chọn khi đến với Huế.
Ảnh: @real__pcy.loan
Phố cổ Bao Vinh là nơi khiến người ta không khỏi nhớ thương khi nghĩ tới. Một góc phố nho nhỏ hay chút nắng chiều mộng mơ nơi đây đều mang đến những ngất ngây, lưu luyến. Bao Vinh trầm lắng vẫn đang lặng yên nằm đó chờ đợi những bước chân mỏi mòn của du khách đến đây để xoa dịu, vỗ về.
Xem thêm một số điểm du lịch ở Huế: