Từ ngày 1/7, công dân Việt Nam có thể làm hộ chiếu ở bất cứ đâu
Quy định mới nhất của Luật Xuất nhập, nhập cảnh tạo điều kiện thuận lợi cho công dân Việt Nam trong việc làm hộ chiếu. Chỉ cần có trong tay thẻ căn cước, mọi công dân có thể làm hộ chiếu ở bất cứ đâu.
Nội dung chính
1. Thay đổi mới trong quy định về làm hộ chiếu của công dân Việt nam
Hộ chiếu là một loại giấy tờ thông hành, lưu trữ thông tin, cho phép xuất cảnh khỏi đất nước và nhập cảnh trở lại từ nước ngoài. Ngày nay, việc làm hộ chiếu và sở hữu một tấm hộ chiếu là điều rất cần thiết. Trước đây, việc làm hộ chiếu gây khá nhiều khó khăn khi yêu cầu người làm phải tiến hành các thủ tục tại tỉnh/thành nơi thường trú hoặc nơi tạm trú. Tuy nhiên với sự đổi mới trong Luật Xuất nhập cảnh, công dân Việt Nam sẽ không còn nỗi lo về vấn đề này nữa.
Bắt đầu từ ngày 1/7, Luật Xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam cho phép mọi công dân có thể làm hộ chiếu ở bất kỳ đâu, chỉ yêu cầu có thẻ căn cước công dân là được. Theo đó, luật nêu rõ: “Người có thẻ Căn cước công dân đề nghị cấp hộ chiếu lần đầu thực hiện tại cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi thuận lợi”
Như vậy bước sang tháng 7, điều luật này chính thức có hiệu lực, việc làm hộ chiếu sẽ thuận lợi hơn. Người dân có thể tiến hành thực hiện các thủ tục cấp hộ chiếu ở bất cứ tỉnh, thành thuộc trung ương nào, không cần mất thời gian trong việc di chuyển và chờ đợi làm giấy tờ.
2. Thủ tục cần chuẩn bị để làm hộ chiếu
Để tiến hành làm hộ chiếu diễn ra theo trình tự một cách nhanh chóng nhất, mỗi công dân phải chuẩn bị đầy đủ các giấy từ thủ tục theo yêu cầu. Cụ thể gồm có:
- Mẫu hồ sơ xin cấp hộ chiếu. Bạn có thể xem và tải về tại đây.
- 4 ảnh chân dung: Kích cỡ 4cmx6cm, phông nền màu trắng, chụp không quá 6 tháng. Yêu cầu người chụp không đeo kính, không đội mũ, mặt nhìn thẳng về phía trước.
- Bản chụp Chứng minh nhân dân hoặc Thẻ căn cước công dân đối với trường hợp có sự thay đổi thông tin về nhân thân so với thông tin trong hộ chiếu đã cấp lần gần nhất.
- Sổ hộ khẩu của công dân xin cấp hộ chiếu, bao gồm 1 bản sao và 1 bản chính để đối chiếu.
Lưu ý đối với người chưa đủ 14 tuổi hoặc mất hành vi dân sự, có quy định riêng về các thủ tục làm hộ chiếu. Cần chuẩn bị thêm:
- Bản sao giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh đối với người chưa đủ 14 tuổi.
- Bản chụp có chứng thực giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp chứng minh người đại diện hợp pháp đối với người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của Bộ luật Dân sự, người chưa đủ 14 tuổi. Nếu là bản chụp không có chứng thực thì xuất trình bản chính để kiểm tra, đối chiếu.
3. Một số điểm mới khác trong Luật Xuất nhập, nhập cảnh của công dân Việt Nam
- Hộ chiếu phổ thông cấp cho người từ đủ 14 tuổi trở lên có thời hạn 10 năm và không được gia hạn.
- Hộ chiếu phổ thông cấp cho người chưa đủ 14 tuổi có thời hạn 5 năm và không được gia hạn. Hộ chiếu phổ thông cấp theo thủ tục rút gọn có thời hạn không quá 12 tháng và không được gia hạn. Giấy thông hành có thời hạn không quá 12 tháng và không được gia hạn.
- Luật cũng quy định, người từ đủ 14 tuổi trở lên có quyền lựa chọn cấp hộ chiếu có gắn chíp điện tử hoặc hộ chiếu không gắn chíp điện tử. Được xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định của Luật này. Được bảo đảm bí mật cá nhân, bí mật gia đình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, trừ trường hợp cung cấp thông tin, tài liệu theo quy định của pháp luật.
Để tránh mọi rủi ro không đáng có, người xin hộ chiếu bắt buộc phải cung cấp các thông tin một cách đầy đủ và chính xác nhất.