Hướng dẫn kinh nghiệm khám phá Dinh Thầy Thím Bình Thuận
Nổi tiếng là địa điểm du lịch tâm linh của Bình Thuận, Dinh Thầy Thím gây ấn tượng với du khách bởi kiến trúc độc đáo, cùng với đó là sự tích cảm động về nơi đây. Hằng năm, dinh thu hút rất đông du khách đến chiêm bái, cầu mong một năm gia đình an lạc, tài lộc, sức khỏe tươi tốt.
Nội dung chính
Xác định vị trí Dinh Thầy Thím
Ít ai biết rằng, Dinh Thầy Thím đã tồn tại hơn 140 năm, tại một khu rừng tĩnh mịch, trên nền cát trắng và chỉ cách trung tâm Lagi 12km về hướng Tây Bắc. Dinh nằm ở thôn Tam Tân, xã Tân Tiến, thị xã Lagi, Bình Thuận.
Là điểm đến không chỉ có giá trị về văn hóa, lịch sử, nghệ thuật điêu khắc mà nơi đây còn mang nhiều ý nghĩa về mặt tâm linh. Vì vậy, Dinh không chỉ được người dân tôn thờ mà còn thu hút rất đông khách thập phương đến cúng bái, chiêm ngưỡng.
Ảnh: @khineer
Hướng dẫn cách di chuyển đến Dinh
Bạn không cần quá lo lắng về đường đi, bởi đường đến Dinh Thầy Thím di chuyển rất dễ dàng, các con đường đều được trải nhựa sạch sẽ, hai bên là những vườn thanh long xanh mát rất ấn tượng.
Có rất nhiều cung đường cho bạn di chuyển đến Dinh. Tuy nhiên, lấy trung tâm thị xã Lagi là điểm xuất phát. Bạn chỉ cần men theo đường Nguyễn Chí Thanh qua Lý Thái Tổ, sau đó rẽ trái vào đường Ngô Đức Tốn là đến địa điểm này.
Nếu bạn xuất phát từ thành phố HCM bằng xe máy, có thể lựa chọn 2 con đường “siêu đẹp” để di chuyển như:
- Cung đường biển có ít xe qua lại và mát mẻ, có nhiều cảnh đẹp cho bạn chụp ảnh. Bạn chỉ cần đi theo hướng Long Hải, ven theo đường biển. Trên đường đi có rất nhiều hàng quán ăn uống đấy nhé!
- Cung đường đi qua đồi Cừu nổi tiếng. Nếu đi vào mùa hè hoặc mùa xuân là bạn sẽ có cơ hội chụp ảnh với những chú cừu dễ thương ở đây.
Sư tích về Dinh Thầy Thím
Có một điều thú vị là người dân ở đây ai ai cũng biết đến sự tích Dinh Thầy Thím. Thực chất tên Thầy Thím là tên ghép của một cặp vợ chồng đạo sĩ. Người chồng tên Thầy, người vợ tên Thím. Hai người đều có công giúp đỡ người dân địa phương. Theo truyền thuyết, vào đầu thời vua Gia Long, Thầy là người cần mẫn, ham học, vừa tầm sự học đạo để nuôi chí lớn. Tuy nhiên, Thầy gặp đại tang khi cả cha và mẹ cùng lúc qua đời, nên quyết định ở lại quê nhà để chịu tang cha, mẹ.
Trong làng nhiều năm gặp hạn hán, mất mùa, nhân dân đói kém, cơ cực, Thầy lập đàn khẩn cầu. Trời đang xanh bỗng chuyển mưa ầm ầm làm cây cối, vạn vật hồi sinh. Từ đó, Thầy nổi danh là một đạo sĩ tài giỏi, có thể dùng phép thuật để cứu giúp dân làng.
Ngày hội đầu năm, có một lần người dân mơ có một mái đình to để thờ Thành Hoàng. Đêm hôm ấy, mưa to gió lớn, dự báo một điểm lạ. Quả nhiên, khi trời yên, mưa tạnh, mọi người nhìn thấy ngôi đình mới tọa lạc ngay giữa làng, khiến ai nấy cũng đều vui mừng, hạnh phúc.
Niềm vui ấy chưa được bao lâu, Thầy bị bắt vì làng bên tố cáo với triều đình tội ăn cắp Đình và âm mưu bạo loạn. Nhà vua xử thầy tội chết và cho Thầy chọn một trong ba mức án là: xử tử, uống thuốc độc hoặc thắt cổ. Thầy xin một tấm lụa và chọn hình thức cuối cùng. Tuy nhiên, kỳ lạ thay, tấm lụa đào đến tay Thầy bỗng hóa rồng nâng Thầy và Thím bay đi.
Họ cư ngụ tại làng Tam Tân (nay là xã Tân Tiến Lagi, tỉnh Bình Thuận). Hai vợ chồng ở trọ nhà ông Hai. Hằng ngày, hai người bốc thuốc, chữa bệnh cho dân lành, đóng ghe đi biển. Đi đâu Thầy cũng mang theo một quả bầu khô, người ta nói đó là phép. Để tránh sự chú ý của nhiều người, hai vợ chồng Thầy Thím chuyển vào rừng sâu gần Bàu Cái để cư trú. Thế nhưng, tiếng tăm của Thầy vẫn được nhiều người biết đến. Thầy đóng thuyền, trừng phạt kẻ gian ác, cứu giúp dân làng chài trong cơn sóng dữ… Không những vậy, Thầy còn thuần phục thú dữ giúp dân yên tâm khai hoang.
Khi hai vợ chồng Thầy Nhím mất, cả dân làng đau buồn. Hai ngôi mộ cát trắng phau được thú rừng vun đắp gần nơi Thầy Nhím tạ thế. Từ đó, cứ ngày mùng 5 tháng riêng âm lịch hằng năm, người ta lại thấy đôi Bạch – Hắc Hổ thường đến tảo mộ và canh gác cho ngôi mộ. Sau khi hai con hổ chết, dân làng cũng mai táng chúng gần mộ của Thầy Nhím để tưởng nhớ.
Ảnh: Đền mộ Thầy Thím
Thời điểm diễn ra lễ hội tại Dinh
Hằng năm sẽ có hai lễ hội, lễ hội tảo mộ diễn ra vào ngày mùng 5/1 âm lịch và lễ hội Tế Thu (Lễ Giỗ) diễn ra từ ngày 14 – 16 tháng 9 âm lịch để thể hiện lòng biết ơn, tưởng nhớ đối với người có công giúp dân.
Bên cạnh nghi lễ cúng bái, người dân địa phương còn tổ chức các hoạt động cuốn hút như múa lân, phóng sinh thả chim về rừng, chèo bã trạo, biểu diễn võ thuật…
Tìm hiểu kiến trúc Dinh Thầy Thím
Nằm giữa một khu rừng yên tĩnh, có nét âm u, huyền bí, Dinh Thầy Thím càng toát lên vẻ tôn nghiêm giữa thiên nhiên. Kiến trúc Dinh mang đậm tín ngưỡng dân gian. Đặc biệt nhất là nội dung sự tích, nội dung thờ cúng, hình thức sinh hoạt và các lễ hội dân gian mà người dân còn lưu giữ.
Bạn sẽ bắt gặp bên trong Dinh nhiều công trúc độc đáo như nhà thờ Tiền Hiền, nhà thờ Hậu Hiền, miếu Thành Hoàng, miếu ông Hổ…
Cùng với đó là các công trình kiến trúc điêu khắc và các trang trí nội thất mang đậm kiến trúc cung đình. Nếu bạn quan sát kỹ sẽ thấy trên thanh xà cò cỏ Dinh có khắc dòng chữ Hán “ Kỷ Mão niên thập nhị quạt thập ngũ nhật kiến tạo”, câu này có nghĩa là kiến tạo ngày 25 tháng 12 năm Kỷ Mão (1879).
Dinh Thầy Thím được xây dựng bề thế, trang nghiêm. Với gỗ là nguyễn liệu chủ đạo, nền lát gạch Bát Tràng, chất vữa để kết dính. Các công trình đều có hướng Tây. Các công trình như Chánh điện, võ ca, nhà tiền đều sử dụng lối kiến trúc “tứ trụ”. Đây mà mô hình tôn giáo rất phổ biến ở Bình Thuận, từ thế kỉ thứ 18 – 19.
Ảnh: Sưu tầm
Kiến trúc “tứ trụ” có nghĩa là 4 cột chính ở trung tâm nhà. Trong Dinh Thầy Thím, kiểu dáng “tứ trụ” được tạo rất tinh tế. Không ít người nhận xét là đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật điêu khắc gỗ. Phần đế của cột được gờ chỉ, cách điệu dạng một bình hoa. Phần thân cột vuông vắn đến phần đỉnh thì thu nhỏ dạng hình trụ tròn, vô cùng độc đáo.
- Chính điện: tọa lạc ngay trung tâm. Đây là công trình bề thế so với các công trình khác trong khuôn viên Dinh. Bạn sẽ khá ấn tượng trước nội thất tại đây. Toàn là những hiện vật cổ như câu đối, bao lam, hoành phi, khám thờ… Những nét điêu khắc gỗ rất tinh tế, thể hiện sự tài hoa của người xưa. Các họa tiết phong phú như muôn thú, hoa lá, thiên thiên, “tứ linh”… thể hiện được tín ngưỡng thiêng liêng, nhưng không kém phần gần gũi với cuộc sống thường nhật.
- Nhà Võ ca: Đây là nơi các nghi lễ truyền thống được thực hiện hằng năm. Người dân địa phương và du khách dâng hương, tưởng nhớ đến công lao của Thầy Nhím. Nơi đây lưu nhiều văn tự Hán cổ được trạm khắc trên cột, bức hoành với nội dung giáo dục sâu sắc cho hậu thế.
- Cổng chính: Công trình được tôn tạo lại từ năm 1994, theo kiến trúc dạng Tam Quan. Đỉnh cổng được trang trí hình tượng “lưỡng long chầu nguyệt”. Cổng chính là kiến trúc được xây dựng công phú, góp phần làm tăng thêm tính trang nghiêm của Dinh.
- Bình Phong: Cả hai mặt của bình phong đều được đắp nổi với hình ảnh rồn vờn mây. Hai bên là tượng Bạch Hổ và Hắc Hổ trong tư thế ngồi xổm, đầu ngẩng về hướng chính điện. Đây là hai nhân vật trong truyền thuyết bảo vệ ngôi mộ của Thầy Thím.
Ảnh: @yuht.nguyen
Biển Dinh Thầy Thím
Chiêm bái tại Dinh, bạn còn có cơ hội được tắm biển Dinh Thầy Thím. Bờ biển ở đây dài, uốn cong. Nước biển trong xanh, mát mẻ, sóng gợn nhẹ nhàng. Bãi biển chỉ cách Dinh khoảng 3km, nên bạn hoàn toàn có thể di chuyển dễ dàng tới điểm đến.
Biển ở đây còn khá hoang sơ, không khí trong lành, sạch sẽ, vì vậy bạn có thể thoải mái tắm biển, vui đùa, cũng như ăn hải sản gần đó.
Ảnh: Sưu tầm
Dinh Thầy Thím là một địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng mà bạn không nên bỏ qua trong chuyến du lịch Bình Thuận sắp tới. Bạn có thể đến để cầu bình an, may mắn hoặc chiêm ngưỡng kiến trúc độc đáo hay đi tắm biển đều được nhé!
Bài viết bạn quan tâm: